Phóng sự - Ký sự

Những người hồi sinh vùng đất chết - Kỳ 1: Bản trường ca mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được thành lập từ năm 1985, Binh đoàn 15 được Đảng, Quân đội giao trọng trách xây dựng và phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Gần 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã biến những vùng đất hoang hóa, đồi trọc từ sự hủy diệt của bom na pan, chất độc hóa học đế quốc Mỹ rải xuống thời chiến tranh thành những dải rừng cao su, cà phê bạt ngàn; những cánh đồng lúa nước cùng các cơ sở chế biến công nghiệp, điện, đường, trường, trạm trên vùng đất Tây Nguyên lộng gió.

Từng có những bài ca không thể nào quên của các chiến sĩ Tây Nguyên trong chiến tranh cũng như thời bình. Những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, khốc liệt, họ đã cùng kề vai sát cánh với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên anh dũng, kiên cường chiến đấu, bất chấp mưa bom, bão đạn để cùng chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, giang sơn thu về một mối, họ lại tiếp tục lên đường thực hiện sứ mệnh khai hoang, phục hóa những vùng “đất chết”, máu và mồ hôi các chiến sĩ lại tiếp tục đổ xuống mảnh đất Tây Nguyên mà một thời họ đã từng gắn bó. Và một bản trường ca mới được ra đời trên địa bàn chiến lược trọng điểm, hình thành thế trận quốc phòng an ninh gắn với phát triển kinh tế trên suốt dải biên cương đầy nắng gió.

Những ngày đầu đi khai hoang, phục hóa vô cùng khó khăn gian khổ. Những người lính lại phải đối mặt với những cơn mưa rừng dai dẳng khi mùa mưa đến; cái nắng nóng như nung người giữa rừng khộp của mùa khô biên giới. Đã không ít người đã bị những cơn sốt rét rừng quật ngã, nhưng những người lính vẫn kiên cường bám trụ, bất chấp mưa rừng, gió núi, giao thông cách trở, thiếu thốn trăm bề trong sinh hoạt để viết tiếp bản trường ca oai hùng của người lính Cụ Hồ.

Cán bộ Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) hướng dẫn bà con nông dân trồng lúa nước. Ảnh: D.Đ.N

Cán bộ Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) hướng dẫn bà con nông dân trồng lúa nước. Ảnh: D.Đ.N

Nhớ lại những tháng ngày khó khăn ấy, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Hùng Ngọc- cán bộ Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15) đứng chân tại địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, không khỏi nao lòng: “Tôi từ Nghệ An vào đây từ những ngày đầu Công ty mới thành lập, vậy mà đã hơn 20 năm gắn bó với Mô Rai. Ngày mới vào, đường sá cách trở, di chuyển khó khăn, sáu tháng mưa ăn gạo trong kho, chờ “tập kết” lương thực đến mỏi mòn, chỉ có cá khô và bí xanh tự trồng. Giữ được con người ở lại với Mô Rai vào thời đó không dễ. Vừa thực hiện nhiệm vụ của Công ty, chúng tôi vừa làm công tác dân vận để gắn kết với bà con trong vùng. Đó là cả một hành trình dài, anh em chúng tôi chia nhau xuống làng, hướng dẫn bà con cách ăn ở, sinh hoạt, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Gần 40 năm qua, Binh đoàn 15 đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phát triển các mô hình sản xuất kinh tế-xã hội, vừa mở rộng quy mô và hình thành các cụm, điểm dân cư mới. Có thể nói, từ con số “không” ban đầu, từ 14 cơ quan, đơn vị lúc mới thành lập, đến nay, Binh đoàn 15 đã có 10 cơ quan và 21 đơn vị trực thuộc (trong đó địa bàn tỉnh Kon Tum có 3 đơn vị); đang đầu tư, chăm sóc và khai thác trên 44.000ha cao su, 400ha cà phê, 74ha lúa nước đan xen với 271 thôn, làng trên địa bàn của 4 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Quảng Bình); 4 xã ở Campuchia, 6 bản ở Lào chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Điều đặc biệt là quy hoạch phát triển của Binh đoàn 15 luôn gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch khu vực phòng thủ trong thế trận quốc phòng - an ninh của các địa phương. Trong thực hiện nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế- xã hội, Binh đoàn gắn kết chặt chẽ giữa việc xây dựng cơ sở chính trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng trong nước và các xã, bản ở Lào, Campuchia; duy trì hiệu quả của 4.000 cặp hộ gắn kết giữa người kinh và hộ đồng bào DTTS.

Trong hoạt động kinh tế, Binh đoàn 15 đã đứng vững trong cơ chế quản lý kinh tế mới, trở thành một doanh nghiệp Nhà nước có vai trò chủ đạo trong việc tạo cơ sở ban đầu về nơi ăn, nơi ở, khai hoang, phục hóa, cung cấp các dịch vụ, hướng dẫn người lao động và gia đình nhận khoán diện tích đất để tiến hành trồng cây, chăm sóc bảo vệ, đồng thời phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tại những nơi đất hoang, đồi trọc nhiều vì bom đạn chiến tranh như ở huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Ngọc Hồi, trở thành những điểm thu hút lao động từ nhiều vùng của đất nước, góp phần thực hiện chương trình điều chỉnh lao động, phân bố dân cư xây dựng các khu kinh tế mới. Bà con các DTTS từ du canh, du cư, phát rẫy nay đã định canh, định cư, gắn với vườn cây, trở thành những thành viên của các công ty cao su, cà phê. Và cũng chính từ các hoạt động này, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được tạo lập vững chắc trên địa bàn, trở thành một bản trường ca mới của những người lính Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm