Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Những người lính gắn bó với đất làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau những trận mưa liên tiếp, đất rừng biên giới huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) trở nên lầy lội, sũng nước. Một số khu dân cư ở 2 xã Ia O và Ia Chía tuy bị ngập cục bộ nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, giao thông từ làng này qua làng khác vẫn được kết nối, bảo đảm lưu thông thông suốt. Đây là thành quả sau chặng đường dài tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp thầm lặng của những người lính Biên phòng.
Chung tay xây dựng NTM
Theo chân Thượng úy Hoàng Công Thưởng-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ia O), chúng tôi xuống làng O và Mít Kom II. Hiện nay, 2 làng này đang chờ được công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Thượng úy Thưởng chia sẻ: “Đối với một số tiêu chí trong xây dựng NTM như vệ sinh môi trường hay thu nhập của người dân, ngay cả khi đã hoàn thành, chúng tôi vẫn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát. Theo đó, đơn vị đề xuất các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ, tạo việc làm theo thời vụ cho người dân”.
Đồng quan điểm này, anh Ksor Men-Trưởng thôn O-cho biết: Để giữ vững tiêu chí vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, Đồn Biên phòng và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải vào cuộc quyết liệt, vừa trực tiếp làm, vừa tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm theo. Nhờ bám sát thôn làng, gần gũi với người dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn khẳng định vai trò chủ công trong xây dựng NTM. Minh chứng rõ ràng nhất là ở làng O và Mít Kom II đã hoàn thành 3 tiêu chí khó là ổn định thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm để “cán đích” NTM.
Không chỉ tạo dấu ấn đậm nét trong xây dựng NTM ở 2 làng trực tiếp đỡ đầu, Đồn Biên phòng Ia O còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tham mưu, phối hợp và trực tiếp giúp dân xây dựng đời sống mới. Bên cạnh việc duy trì các chương trình, mô hình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Hũ gạo tình thương”, năm 2020, đơn vị đã huy động gần 150 ngày công giúp dân lao động sản xuất, xây dựng và sửa chữa nhà ở.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga
Tấm lòng người lính 
Kể từ ngày nhận 2 cậu bé Ksor Hội và Rơ Lan Tuen làm con nuôi, Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Chía coi như đã “biên chế” đủ tiểu đội 7 người Jrai (cùng với 5 cán bộ, sĩ quan Biên phòng). Một “gia đình” vắng bóng người phụ nữ nhưng vẫn rộn ràng tiếng nói cười trẻ thơ.
Câu chuyện của Đại úy Vũ Đình Truyền-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Chía và người tiền nhiệm của mình là Thượng tá Nguyễn Đức Hùng (hiện là Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) khiến tôi thực sự cảm phục. Chuyện là khoảng 5 năm về trước, khi biết bà Kpui Phyơnh (làng Beng, xã Ia Chía) tuổi đã cao, lại sống neo đơn, anh Hùng đã nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ khoảng 20 kg gạo mỗi tháng.
Khi chuyển công tác sang đơn vị khác, trong lúc bàn giao công việc, anh Hùng không quên nhờ đồng đội tiếp tục giúp đỡ gia đình bà Phyơnh. Điều tôi muốn nói ở đây là cả người giao và người nhận không phải thực hiện công việc theo mệnh lệnh của cấp trên mà là mệnh lệnh từ trái tim mình. Trái tim biết sẻ chia để vòng tay luôn rộng mở, chở che những phận đời thiếu may mắn.
Tương tự là trường hợp bà Rơ Mah Mek (75 tuổi, ở làng Lang, xã Ia Chía). Gần 10 năm qua, người phụ nữ đơn thân, không còn khả năng lao động này sống nhờ vào mô hình “Hũ gạo tình thương” của Đồn Biên phòng Ia Chía. Năm 2016, thông qua sự kết nối, tham mưu, đề xuất của những người lính Biên phòng, bà Mek được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình bà đã tăng lên 3 con, mở ra cơ hội thoát nghèo một cách bền vững.
Sự sẻ chia của những người lính Đồn Biên phòng Ia Chía tuy không lớn, nhưng chắc chắn, ổn định từng bước một. Và, có lẽ chỉ những con người sống ở đất làng, gần gũi với mọi gia đình, mọi thân phận thiếu may mắn mới có thể làm được những việc làm đẹp đến như vậy.
THÁI KIM NGA

Có thể bạn quan tâm