Xã hội

"Những người muôn năm cũ"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hôm rồi, lúc đi bộ buổi sáng, tôi thấy 2 người lụt cụt phía trước. Sương hơi dày nên đi sát, tôi mới nhận ra nhà báo Trần Văn Nghĩa và anh Nguyễn Viết Kế. Nắm tay anh Kế, Nghĩa cười: “Thầy giáo của em đấy”. Rồi tíu tít nhờ tôi chụp ảnh giùm. Anh Kế cũng cười, bảo: Nhớ một thời Pleiku quá, nên có đám cưới học trò là lên ngay, sáng ra Quảng trường đi bộ, cũng là một cách ôn lại kỷ niệm.



Tôi cũng vụt nhớ một thời. Ngày ấy, cái thời chưa có Đại học Quy Nhơn, Đại học Tây Nguyên, Đà Nẵng mới có Đại học Bách khoa, đa phần đội ngũ giáo viên, bác sĩ đều từ lò Huế, một số ít lò Vinh, số ít còn lại thì từ Hà Nội, Việt Bắc... Anh Nguyễn Viết Kế là nhóm giáo viên cấp III lên từ Đại học Sư phạm Huế.

sáng ra Quảng trường đi bộ, cũng là một cách ôn lại kỷ niệm.
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên



Một hôm, sáng chủ nhật, tôi đang ngồi ở bàn trong phòng tập thể ngó vơ vẩn ra cửa sổ chờ cơm thì một chiếc xe đạp xịch sát hè, một người nhỏ con da đen dừng xe hỏi với vào: “Anh có phải Văn Công Hùng không?”. “Vâng, em đây”. “Tôi là Kế, Nguyễn Viết Kế, dạy cấp III”. “À, em có nghe tiếng anh mà chưa gặp, giờ ngày tốt anh lại tới nhà em”. “Mình đi bỏ kẹo lạc, sực nhớ Chử Anh Đào nhắc ông ở khu tập thể ni, ghé hú họa vô, may gặp”.

Tôi rót... rượu. Hồi ấy, gặp nhau là rượu. Anh Kế lôi trong cái túi toòng teeng trên ghi đông xe ra mấy phong kẹo: “Đi bỏ kẹo lạc, còn một ít biếu ông ăn chơi”. “Ấy chết, bác mang đi bỏ cho đủ kẻo thiếu vợ la”. Hai anh em cười khà khà, chiêu ly rượu trắng với kẹo lạc rồi anh lại tất tả đạp xe đi.

Lại nói chuyện đi bỏ rượu. Tôi còn nhớ, anh Chử Anh Đào hồi ấy cũng nấu rượu rồi đi bỏ rượu, nhưng cứ xong cuộc về tới nhà là... say. Anh cũng thuộc thế hệ lên trước cùng anh Kế, nhưng học Đại học Sư phạm Việt Bắc, vào Pleiku từ năm 1977. Anh mới mất cách đây vài năm, vẫn nằm lại Pleiku, chứ thế hệ anh, đa phần đã về quê hoặc đi nơi khác.


Thì như anh Kế đây, sau đấy về Huế dạy Trường Gia Hội, anh Cao Tất Tịnh, người Quảng Trị, sau vào Sông Bé (giờ là Bình Dương), anh Phạm Xuân Soạn về quê đâu đấy ngoài Bắc. Đặc điểm chung của lớp thầy giáo này là dạy văn, yêu văn chương, có sáng tác nhưng không nhiều (trừ Chử Anh Đào, anh Kế cũng đang có 2 cuốn tự truyện).

Nói về những thầy-cô giáo dạy văn có sáng tác hồi ấy có thêm cô Hương Thủy, dạy Trường cấp III Pleiku 2. Tôi nhớ từng tổ chức một đoàn xuống Kon Hà Nừng đi thực tế, có Hương Thủy, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà thơ Phạm Đình Ân, sau đấy, anh Thụy viết truyện ngắn “Nước mắt gỗ” cực hay... Sau này, Hương Thủy về Đà Nẵng dạy, thi thoảng học trò cũ mời lên họp lớp, họp trường, nhưng duyên thế nào rất ít gặp nhau. Duy nhất một lần gặp ở sân bay, tôi đi Hà Nội về Transit Đà Nẵng gặp Thủy bay từ Đà Nẵng lên họp lớp học trò mời; thế là tôi thành... khách mời của Thủy đi xe học trò đón từ sân bay về nhà.

Những người chơi và hoạt động văn chương thời đầu ấy còn có nhóm bác Giáp Kim Liên. Có lần tôi viết, nếu có một ký ức về Pleiku, dứt khoát phải có một khúc về ông. Hồi ấy, quán cà phê Kim Liên ở đường Hùng Vương, và ai đã tới Pleiku hầu như cũng đều tới quán này. Cà phê ngon, một lý do, chỗ ngồi hay, nhạc hợp gu, cũng một phần. Phần nữa là ông chủ quán hiếu khách, lịch lãm, sang trọng và quan hệ rộng. Được chơi với bác Giáp hồi ấy là vinh dự, ít nhất là tôi nghĩ thế. Nhớ hồi Tết năm 1982, năm đầu tôi không về quê, ngồi nguyên 2 ngày ở quán nghe nhạc và liên tục thay phin cà phê, ông chủ quán thấy thế ra hỏi thăm rồi quen từ đấy. Có lần, vào ngày 1-1 Tết Dương lịch, đang ngủ nướng ở phòng tập thể thì ông Giáp tới gọi tôi dậy. Ông tỉ mẩn lôi trong cái bị treo ở ghi đông xe ra một viên ngói, một lát mỡ heo, một túm thịt bò thái sẵn, một chai rượu. Rồi bảo: Tôi biết ông một mình ngày Tết buồn, tới ngồi với nhau một bữa. Tôi mua lạng thịt bò rồi nhờ họ thái luôn. Hồi ấy, lạng thịt bò có khi hơn cả con bò bây giờ. Phòng ở tập thể bao giờ cũng sẵn bếp điện dây ma so. Kéo ra giữa nhà, đặt viên ngói lên, thả miếng mỡ cho chảy ra rồi áp thịt bò vào viên ngói. Trời ơi, một bữa tiệc tuyệt vời diễn ra như thế, từ sáng tới 3 giờ chiều.

Người giỏi tiếng Pháp và chuyên dịch văn chương Pháp ở Pleiku thời ấy là anh Bạch Văn Minh. Anh gốc Huế, lên Pleiku dạy học nhưng lại gắn với nghề... trọng tài bóng đá và dịch truyện. Tôi là người thường xuyên sử dụng truyện dịch của anh trên Tạp chí Văn nghệ và sau này cũng là người tổ chức in cuốn “Mối tình câm” thành sách, truyện Nga nhưng anh dịch qua tiếng Pháp. “Mối tình câm” là tôi đặt cho hợp với dòng sách hồi ấy, in tới 30 ngàn bản, anh mua cho vợ được 2 chỉ vàng.

Rất muốn nhắc tới 2 người cũng nổi tiếng hồi ấy là anh Ngọc Kỷ (đã mất) và chị Hồng Vân, giờ thành bà chủ ở Sài Gòn. Anh Kỷ làm thơ, chị Vân làm được tất cả mọi thứ, một người mà tôi từng đoan chắc, nếu kiên trì đi với văn chương, chị sẽ là tác giả lớn. Chị Vân là người đầu tiên đón tôi bước chân đầu tiên vào Phòng Văn nghệ Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai Kon Tum ngày 26-11-1981. Có rất nhiều chuyện tôi muốn viết về chị, nhưng thôi, để lần sau vậy!

 

 VĂN CÔNG HÙNG

 

Có thể bạn quan tâm