Đó là tâm sự chung của nhiều bạn trẻ từng đặt chân tới Trường Sa trong chuyến đi hồi giữa năm 2023 vừa qua.
Xuất phát từ Quân cảng Cát Lái, tàu Kiểm ngư 290 (KN 290) bắt đầu hải trình hơn 250 hải lý để đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Càng đặc biệt hơn khi có hơn 160 đại biểu là những người con đến từ thành phố mang tên Bác. Có nhiều người trẻ lần đầu đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1. Họ đã có những cảm xúc hết sức đặc biệt.
1. Anh Phạm Quang Thắng:
Tôi rất may mắn được góp mặt trong đoàn công tác số 5 của TP HCM đi thăm và làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/14 trong chuyến hải trình kéo dài 7 ngày. Niềm vui đến song hành cùng những lo lắng bởi nhiều thông tin truyền nhau rằng chuyến đi sẽ rất vất vả, nào là say sóng, nắng nóng sự khắc nghiệt của biển khơi hay hành trình trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro…Nhưng tôi cũng như nhiều thành viên khác trong đoàn thật sự an tâm khi chúng tôi được di chuyển trên chiếc tàu Kiểm Ngư mang số hiệu Kiểm ngư 290 được trang bị hiện đại, đưa chúng tôi ra với Trường Sa - miền hải đảo xa xôi và thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng tôi vô cùng khâm phục tinh thần trách nhiệm, tình yêu của người lính đối với mỗi hòn đảo, giữa nắng gió biển khơi, giữa mênh mông sóng nước mà người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ… Có lẽ giữa bốn bề của biển cả chúng ta mới thấy hết cái quý giá của những giọng nói, nụ cười, của những lời động viên chia sẻ từ đất liền, bởi những người chiến sĩ ấy họ rất thiếu hơi ấm của đất liền, thiếu những cái ôm chặt của người thân… Chúng tôi được giao lưu cùng các chiến sĩ với những bài hát, vũ điệu âm nhạc hay và xúc động vang mãi trong tim tôi là những câu hát "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi vì nhân dân quên mình…" làm cho chúng tôi thấy trong biển cả bao la ấy có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân, sự hi sinh của các người lính để bảo vệ biên giới hải đảo chủ quyền thiêng liêng của cả nước. Dù cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn nhưng họ đã biết cách khắc phục như trồng rau xanh trên đảo và đặc biệt là nuôi được heo trên nhà giàn DK1/14…
Là công dân trẻ TP HCM tôi mong muốn các bạn đoàn viên: Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thế hệ trẻ cần xác định phải giữ biển đảo bằng tri thức về chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biển đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; về lịch sử Việt Nam đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo. Dù làm ở ngành nghề nào chúng ta hãy cùng cống hiến, có những sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Là một người làm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tôi sẽ cố gắng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao được áp dụng tại TP HCM, cả nước và đặc biệt là áp dụng tại Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
2. Chị Huỳnh Thị Cẩm Nương:
Không chỉ riêng tôi mà với mỗi người làm báo, Trường Sa có lẽ là chuyến công tác mà tất cả đều mơ ước và khát khao một lần được trải qua. Tôi không nghĩ cơ hội đến với mình sớm đến vậy, khi 24 tuổi với 2 năm tuổi nghề, tôi chính thức có chuyến công tác đến quần đảo thiêng này thiêng của Tổ quốc.
Lần đầu đến với Trường Sa, cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất trong 164 đại biểu tham gia chuyến hải trình, tôi vô cùng bồi hồi, xúc động, tự hào và biết ơn. Trước khi đặt chân đến các hòn đảo, tôi được trải qua khoảng thời gian sinh hoạt, gặp gỡ các đại biểu cùng chiến sĩ hải quân trên tàu KN-290. Nếu ta hay ví thầy cô là những người lái đò đưa từng lứa học trò cập bến bờ tri thức, thì với tôi các chiến sĩ hải quân, các chiến sĩ làm công tác trên chuyến tàu này cũng là những "người đưa đò" đặc biệt. Họ chu toàn cho đại biểu từ những phần ăn, nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ và tạo ra không khí "anh em bốn bể" như một nhà.
Đoàn chúng tôi đến thăm 6 đảo và 1 nhà giàn, mỗi lần đặt chân lên từng đảo, cảm xúc đều thương quý khôn nguôi. Thương vì sự cơ cực của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, chẳng sợ hiểm nguy hiên ngang đứng gác giữa biển khơi. Quý vì sự mến khách, nghĩa tình gần gũi với người từ hậu phương qua từng nụ cười, cái ôm phút chia tay.
Tôi không rõ mình đã hát Quốc ca bao nhiêu lần trong đời nhưng có lẽ tại Trường Sa, lần đầu tiên được cảm nhận rõ nhất sự thiêng liêng trong từng ca từ của bản Tiến quân ca hùng tráng. Lần đầu tiên cảm nhận, màu đỏ tươi của lá Quốc kỳ tung bay giữa bầu trời xanh trong cũng chính là màu máu của bao thế hệ đã ngã xuống nơi miền đất đầy khắc nghiệt này.
Tôi nhớ mãi hình ảnh những luống rau xanh ngắt vươn lên giữa biển Đông trên mỗi đảo, đặc biệt là nhà giàn DK1/14 nơi gió có thể quật ngã người trong những ngày mưa bão. Có một chiến sĩ từng tâm tình với tôi, việc họ trồng rau không chỉ để phục vụ bữa ăn mà còn xem chúng như hình ảnh của mỗi chiến sĩ, hiên ngang vững chãi giữa những khắc nghiệt của biển khơi.
Hay một chiều trong buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma, tôi và một số đồng nghiệp khác chọn phương án xuống tàu nhỏ để chụp rõ hơn khoảnh khắc thả vòng hoa xuống biển. Nhìn những lẵng hoa trôi lênh đênh trên mặt biển xung quanh là bóng tối bao trùm, tôi và hầu hết phóng viên tác nghiệp đều lặng người và không kiềm được mà òa khóc. Khoảnh khắc đó trong trái tim của người trẻ như tôi càng dấy bừng lên ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, dấy lên khát vọng nguyện cống hiến sức mình xứng đáng với những gì các anh đã ngã xuống để gìn giữ.
Giữa mênh mông vẫn khát/Không uống được anh ơi…". Câu hát về biển đảo quê hương tôi hay nghe trong những ngày trước khởi hành, càng thêm thấm thía khi tận mắt chứng kiến hệ thống máy lọc nước ngọt thô sơ của các chiến sĩ nhà giàn DK1/14. Chuyến thăm Trường Sa chính là bài học sinh động và sâu lắng nhất để người trẻ như tôi nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình đối với quê hương. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".
3. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên:
Trải qua 2 ngày lênh đênh trên tàu để đến với Trường Sa, thời điểm nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phất phới bay từ xa, Tiên đã cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào. Được đặt chân đến Trường Sa, Tiên mới cảm nhận rõ được mặc dù cuộc sống ở Trường Sa còn nhiều khó khăn hơn đất liền rất nhiều nhưng trong mỗi con người là nguồn năng lượng tích cực thường trực. Đó là điều không dễ dàng làm được.
Trong chuyến hải trình này, Tiên đã thực hiện một "kế hoạch nhỏ" của cá nhân là thu thập chữ ký của cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo, nhà giàn mà đoàn công tác đi qua. Đây là ý tưởng mà Tiên đã ấp ủ từ lúc ở đất liền. Tiên thấy khi mọi người xin chữ ký là mọi người quý trọng mình rất nhiều. Tiên ra tới đảo với tâm thế không phải là hoa hậu, không phải 1 người nổi tiếng mà là một "người hâm mộ" đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Tiên rất hâm mộ vì có nhưng bạn còn trẻ tuổi hơn mình nhưng các bạn hy sinh tuổi xuân vì Tổ quốc, vì đất nước. Việc xin chữ ký thể hiện lòng biết ơn, lòng hâm mộ, tình cảm của những người trẻ ở đất liền. Chữ ký của các chiến sĩ là món quà, kỷ niệm quý giá cho Tiên.