Người trẻ trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.

Bằng năng lượng đẹp nhất của thanh xuân, lớp người trẻ này đang đi đến cùng từ ý tưởng tới hành động để được là mình và được làm gì đó góp sức cho quê hương.

Có nhiều lý do để họ chọn quay về đây làm việc, dù là thụ động (do dịch Covid-19, theo sự mong đợi của gia đình) hay chủ động đến quyết liệt, mang theo lượng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm làm việc ở các thành phố lớn. Vì lẽ đó, “trở về” đang là chủ đề được nhắc đến khá nhiều hiện nay.

1.Đến giờ, chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Chủ nông trại Moons Coffee Farm (số 1418 Trường Chinh, TP. Pleiku) vẫn nhớ mãi dấu mốc của hành trình trở về: “Cách đây 4 năm, vào một buổi sáng sương mờ về đến Phố núi, đứng trên tầng nhà cha mẹ, ngắm nhìn quả núi Hàm Rồng bên hông nhà, thì thầm mấy chữ: Về rồi, Thủy ơi!”.

Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy với khát vọng xây dựng một thế hệ nông dân Việt Nam mới, có tri thức và phong cách sống (ảnh nhân vật cung cấp).

Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy với khát vọng xây dựng một thế hệ nông dân Việt Nam mới, có tri thức và phong cách sống (ảnh nhân vật cung cấp).

Từng có 3 năm làm việc ở một công ty chuyên sản xuất cà phê đặc sản ở Đà Lạt, chị Thủy nhận ra tiềm năng và triển vọng phát triển nông nghiệp của tỉnh rất lớn, nhất là cà phê. Chị tự đặt ra cho mình một số câu hỏi: Vì sao người nông dân làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá cả? Làm thế nào để chủ động trong vấn đề này? Sau khi nghiên cứu, trả lời được một phần những trăn trở ấy, chị bắt tay vào thực hành trên 1 ha cà phê của gia đình.

Thủy cho hay, chị vừa kiên trì trồng cà phê theo hướng bền vững, vừa nuôi giấc mộng làm du lịch dựa trên nền tảng nông nghiệp. Dẫu biết rằng chuyên tâm làm nông là thử thách không nhỏ, nhất là với một cô gái chân yếu tay mềm song chị vẫn kiên định. Suốt 2 năm qua, hơn 200 lượt tình nguyện viên trong nước và quốc tế đến với nông trại theo dự án “Tình nguyện viên trao đổi giá trị” chính là cách chị Thủy hiện thực hóa ý tưởng đó. Chị còn mở một quán cà phê nhỏ giữa phố để giới thiệu các loại cà phê của nông trại, đồng thời là nơi giao lưu, thực hành giao tiếp tiếng Anh dành cho người dân, học sinh địa phương với các tình nguyện viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Thủy chia sẻ, điều mà chị khát khao hướng tới là góp phần xây dựng hình ảnh “một thế hệ nông dân Việt Nam mới, có tri thức, cốt cách, phong cách sống và tiêu chuẩn sống phong phú, linh hoạt”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Gần đây, “làn sóng” các bạn trẻ năng động, tâm huyết, có hoài bão và kiến thức quay về tỉnh đang diễn ra khá mạnh mẽ. Hiện nay, lĩnh vực thuộc chiến lược phát triển của tỉnh là nông nghiệp bền vững gắn với du lịch. Vì vậy, tỉnh rất cần “làn sóng” trẻ, năng động, có tri thức để tạo ra các giá trị, góp phần cho sự phát triển chung của Gia Lai. Tỉnh đặc biệt quan tâm, lắng nghe các đề xuất và hỗ trợ, tạo diễn đàn cho các bạn trẻ như: đối thoại với thanh niên, hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Tỉnh cũng tạo kênh, group để thường xuyên hỗ trợ những bạn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp nhằm hướng dẫn về thủ tục chính sách; đồng thời, lắng nghe các hiến kế, đề xuất để xây dựng, triển khai chính sách tốt hơn”.

2. Cuộc trở về của anh Trương Đức Thắng-Chủ trang trại Green Beli Farm (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) cũng bắt nguồn từ cái nhìn hết sức thực tế về nông nghiệp chứ không chạy theo trào lưu “bỏ phố về rừng”. Dù đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại Đà Nẵng, anh Thắng vẫn ấp ủ mục tiêu làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp mô hình vườn rừng.

Anh Trương Đức Thắng mỗi ngày hiện thực hóa ý tưởng làm nông nghiệp bền vững (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Trương Đức Thắng mỗi ngày hiện thực hóa ý tưởng làm nông nghiệp bền vững (ảnh nhân vật cung cấp).

Đầu năm 2022, sau khi mua được 5 ha đất đồi tự nhiên ở xã Hải Yang, anh dành 1 ha để trồng thông; cùng với đó đầu tư trồng thêm nhiều loại cây ăn quả trên gần 2 ha, trong đó cây bơ được ưu tiên. Và trên diện tích còn lại đã có sẵn một ít cà phê, hồ tiêu…, anh để cây cối phát triển tự nhiên theo hướng vườn rừng, tuyệt nhiên không can thiệp gì. Vừa duy trì công việc hiện tại theo kiểu làm tại nhà, anh vừa trải nghiệm đời sống của một nông dân. Anh lý giải: Khi những cây thông non dần vươn cao, ngoài việc trả lại màu xanh cho đất còn giúp tạo dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, đa dạng, nhiều tầng tán. “Không thể nhìn ngắn khi theo đuổi mô hình này. Ít nhất phải 10-20 năm nữa mới thấy được hiệu quả. Khi đó, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, trang trại còn tạo môi trường tham quan, học tập và trải nghiệm”-anh Thắng nói.

Không chỉ gầy dựng trang trại của mình, những người trẻ ở đây còn hỗ trợ các chủ vườn xung quanh đưa nông sản đến với người tiêu dùng ở khắp các tỉnh thành mà không cần qua thương lái, không lo bị ép giá. Và, nói như anh Thắng thì: “Đã hướng đến sự phát triển bền vững thì cần xem “đối thủ” là đồng đội”.

3. Đặc biệt, từ tháng 6-2023, sự xuất hiện của nhóm Pleiku Returnees (Những người trở về Pleiku) đã minh chứng rõ hơn bao giờ hết cho “làn sóng trở về” của người trẻ từ nhiều tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… với không ít nhân lực chất lượng cao. Từ slogan “Đi thật xa để trở về”, Pleiku Returnees đã tập hợp một cộng đồng đầy năng lượng sáng tạo, hoạt động ở đủ mọi lĩnh vực: kinh doanh, nông nghiệp, marketing, dịch vụ, thời trang, sức khỏe tinh thần… Với tư duy mở, tư duy phản biện sâu sắc trước các vấn đề, Pleiku Returnees đang tổ chức nhiều hoạt động thú vị với mong muốn góp phần đưa ra định hướng và hành động thực tế để giúp Pleiku trở nên đẹp hơn.

Một số thành viên của nhóm Pleiku Returnees tại một sự kiện (ảnh nhân vật cung cấp).

Một số thành viên của nhóm Pleiku Returnees tại một sự kiện (ảnh nhân vật cung cấp).

Một trong những sự kiện tâm điểm của nhóm là “Pleiku Mentors in Tech”. Với sự kết nối từ những người quản trị trang Pleiku Returnees, các mentors (người hướng dẫn), phần lớn đều là những người con Pleiku đang làm việc về công nghệ ở khắp nơi trên thế giới như Úc, Phần Lan, Canada… đã nhận lời hướng dẫn online 1 kèm 1, hoàn toàn miễn phí nhằm hỗ trợ người trẻ Pleiku tự tin bước vào lĩnh vực công nghệ như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Đây được xem là cách các mentors đóng góp thiết thực cho quê hương.

Mới đây, các thành viên của nhóm cũng đã kết nối, tổ chức khá nhiều hoạt động đáng hoan nghênh như: kêu gọi và chung tay dọn sạch rác ở khu vực Núi Đá (TP. Pleiku)-một điểm đến yêu thích của giới trẻ; trao giải cuộc thi làm phim ngắn; cập nhật thông tin về các cơ hội tập huấn ngắn hạn miễn phí ở nước ngoài (kể cả ăn ở, đi lại…); chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, lan tỏa văn hóa đọc… Với hàm lượng tri thức và năng lượng tuổi trẻ đầy tràn, đến nay, cộng đồng Pleiku Returnees đã thu hút 1.700 thành viên, trong đó có cả những người đang chọn thành phố này làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp.

Sinh ra và lớn lên tại Pleiku, bạn trẻ Lê Anh Tuấn-tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực tại Northeastern University, hiện đang làm việc tại Mỹ-thổ lộ: “Khi được tham gia Pleiku Returnees, chứng kiến sự kết nối mà nhóm tạo ra cùng vô số những thông tin bổ ích, những hoạt động sôi nổi được chia sẻ, mình mới biết Pleiku năng động như vậy. Hiện TP. Pleiku đang là lựa chọn số 1 để tụi mình quay về sinh sống. Thấy group có những con người hay, những sự kiện mới mẻ, mình biết khi trở về mình có thể chia sẻ được nhiều điều đã học được cũng như tiếp thu từ các thành viên khác… Phố núi đang có những giá trị mà tụi mình theo đuổi. Nơi đó mình có gia đình, môi trường sống và bây giờ là một cộng đồng rất trẻ”.

Có thể bạn quan tâm