Hỏi lý do bỏ phố về miền quê làm vườn, chị gái quê quán ở tỉnh Tuyên Quang cho biết bản thân vốn thích nơi có khí hậu mát mẻ và trong lành. Ở H.Mộc Châu (tỉnh Sơn La) là vùng đất phù hợp đang có tiềm năng phát triển du lịch và không quá xô bồ. Chưa kể con người nơi đây ai cũng thân thiện, hiền lành và hiếu khách.
Chị Linh quyết định bỏ phố về miền quê để trồng rau. ẢNH: NVCC |
Vì không thích công việc văn phòng gò bó nên chị luôn nuôi ước mơ sẽ tạo ra một nơi thật xinh đẹp, bình yên để mọi người có thể ghé thăm và cảm nhận. Do vậy, chị đã quyết định thuê một mảnh vườn rộng rãi, sau đó biến ngôi nhà kho cũ thành một chốn dừng chân.
Ngôi nhà và mảnh vườn của chị Linh đẹp tựa trong phim cổ tích. ẢNH: NVCC |
Ngôi nhà và khu vườn được lấy ý tưởng từ phong cách farmhouse, đẹp tựa các bộ phim châu Âu. Linh tiết lộ ngay từ nhỏ đã yêu thích các câu chuyện cổ tích, thần thoại châu Âu và mê mẩn bộ phim "Ngôi nhà trên thảo nguyên". Chị luôn mơ mộng đến một ngày sẽ được sống trong ngôi nhà tràn ngập hoa cỏ, hòa mình giữa thiên nhiên như nhân vật chính trong phim. Chị hy vọng ai đến đây cũng sẽ cảm nhận được nơi này không chỉ đơn giản là một ngôi nhà, mà còn là mái ấm, có sự thân thuộc như khi bạn trở về nhà của chính mình.
Khung cảnh từ trong ngôi nhà nhìn ra khiến ai nấy đều xao lòng. ẢNH: NVCC |
Thế nhưng, ban đầu ý tưởng của chị không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Chị còn gặp khó khăn về vấn đề tài chính khi sửa chữa và cải tạo nhà, do là phụ nữ không có kinh nghiệm về mảng xây dựng. Chị đã tìm cách tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn, lên ý tưởng, đưa ra từng bước phải làm thế nào…
"Mình không có điều kiện thuê người thiết kế nên không biết trước hình ảnh thực tế sẽ như thế nào. Mình chỉ nghĩ trong đầu rồi lên ý tưởng làm thử. Để tiết kiệm chi phí, mình cố gắng tự làm những gì trong khả năng như: sơn tường, hàng rào, làm vườn, may rèm và tự trang trí từng góc nhỏ trong nhà… Mình nhẩm tính đã chi hơn 300 triệu đồng cho việc cải tạo ngôi nhà và khu vườn để biến nơi đây đẹp nên thơ", Linh kể.
Chủ nhân tự trang trí mọi thứ để... tiết kiệm ngân sách. ẢNH: NVCC |
Thời điểm khi hoàn thiện ngôi nhà và mảnh vườn này, chị Linh đang trong quá trình tự chữa bệnh trầm cảm. Mảnh vườn như một đứa con tinh thần của người phụ nữ yêu thích sự lãng mạn. Tất cả rau và hoa trong khu vườn đều do chị tự tay trồng.
Mỗi ngày, công việc của chị Linh là dọn dẹp, chăm chút cho ngôi nhà, tiếp đón những vị khách dễ thương ghé đây chơi. Chị dành ít nhất 1 tiếng đồng hồ để chăm chút cho khu vườn. Nếu vào mùa vụ phải trồng và chăm sóc rau thì chị ở lì trong vườn cả ngày.
Mỗi luống rau đều được cô chủ chăm sóc cẩn thận. ẢNH: NVCC |
Sau cơn bão vừa qua, khu vườn của chị bị ảnh hưởng khá nhiều. Vườn bị ngập úng, hoa hư hỏng. Tuy nhiên, chị vẫn không bỏ cuộc, ngày ngày vẫn quyết tâm cải tạo lại khu vườn xinh đẹp lại như trước kia.
"Khu vườn tuy bị hư hại một chút nhưng không quá nặng nề. Tuy nhiên, mình cần phải có một thời gian để cải tạo. Nhưng mình nghĩ rồi ai cũng có lúc trải qua những khó khăn với cơn giông bão của cuộc đời. Điều đó sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn", chị Linh nói.
Khu vườn bị hỏng sau cơn bão nhưng không quá đáng kể. Chủ nhân đang cố gắng cải tạo. ẢNH: NVCC |
Hiện tại, chị Linh đang cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Chị cảm thấy bình yên khi được là chính mình trong từng giây phút. "Mình nghĩ rằng cuộc sống này suy cho cùng là sự lựa chọn và phù hợp. Có những người luôn hướng tới sự phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Có người lại chỉ mong một cuộc sống bình dị và an yên. Chỉ cần đó là lựa chọn phù hợp với mỗi người và sống hạnh phúc với điều đó là được", Linh chia sẻ.
Thời gian rảnh rỗi, chị Linh hái hoa trong vườn và chơi với mèo. ẢNH: NVCC |
Hỏi về dự định tương lai, chị Linh cho biết chưa nghĩ quá xa vì chỉ muốn tiếp tục duy trì và phát triển những gì mình đang có. "Với mình, sống an yên và hạnh phúc trong từng giây phút của hiện tại đã là một thành công rồi. Mình đã hoàn thiện mọi thứ bằng tất cả khao khát thực hiện ước mơ. Mình đã dành tâm huyết, mồ hôi và cả nước mắt cho từng chi tiết nhỏ nhất", chị bộc bạch.
Theo Phương Vy (TNO)