Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Những startup dám... bỏ phố về quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những bó rau hữu cơ ở Đồng Nai, quả cam Vinh của Nghệ An, ổi, chuối, đu đủ, mít, xoài ở Bình Phước... đang có mặt tại các hệ thống siêu thị hữu cơ Organica đều là sản phẩm của các startup dám bỏ các dự án, giấc mơ khởi nghiệp ở thành phố để "về quê", theo đuổi con đường làm nông sản sạch.
Năm 2012, vào thời điểm người tiêu dùng đang phải đối mặt với các vấn nạn về "thực phẩm bẩn", Organica  ra đời và dù nguồn vốn còn eo hẹp, cô chủ trẻ Phương Thảo đã mạnh dạn "bỏ phố" về Long Thành - Đồng Nai đầu tư trang trại theo chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU. Trang trại Long Thành của Organica trở thành trang trại rau nhiệt đới đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU vào năm 2015. Tiếp theo đó, Thảo lại tiếp tục  đến đầu tư trang trại tại Ba Vì, Lâm Đồng và các trang trại này cũng đạt các chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU. 
Với mục tiêu xây dựng một thị trường nông sản sạch, Organica đã cùng canh tác hữu cơ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, bao tiêu một phần sản phẩm, quảng bá thương hiệu... cho các nhà vườn và trang trại, với tiêu chí khe khắt: không sử dụng các hóa chất cấm như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, trừ cỏ độc hại, không dùng giống biến đổi gen...
Nhiều năm âm thầm hỗ trợ, hợp tác với các trang trại, đặc biệt khuyến khích, truyền động lực cho các bạn trẻ khởi nghiệp theo hướng nông sản sạch, cô chủ trẻ Organica được gắn cho biệt danh "bà đỡ cho các khởi nghiệp nông sản sạch". Khá nhiều bạn trẻ đã "bị" Thảo truyền cảm hứng và đã bỏ thành phố về quê làm trang trại.
Tại chương trình "Gặp gỡ nông dân, thêm yêu thực phẩm", Trần Thị Tuyến - Chủ vườn cam tại Quỳ Hợp - Nghệ An đã kể lại hành trình "bỏ phố về quê" về xây dựng trang trại trồng cam Vinh khá thú vị. Tuyến kể: "Vốn thích trồng trọt, lại được "tiếp lửa" từ nhu cầu nông sản sạch đang ngày được quan tâm, cách đây ba năm, vợ chồng tôi quyết định bỏ công việc đang ổn định tại Hà Nội về quê nhà làm... nông dân".

Trần Thị Tuyến - Chủ vườn cam tại Quỳ Hợp - Nghệ An
Trần Thị Tuyến - Chủ vườn cam tại Quỳ Hợp - Nghệ An
Chọn cam Vinh để "khởi nghiệp" cho trang trại đầu tiên, Tuyến nói: "Nhận thấy cam Vinh không chỉ ngọt, thơm ngon mà còn là một thương hiệu đặc sản của Nghệ An. Rất nhiều du khách kể cả trong nước và quốc tế đều thích cam Vinh. Tuy nhiên, chất lượng cam chưa đồng đều, nhất là rất ít người trồng cam theo phương thức sạch nên tôi quyết mua lại vườn cam hơn một hecta và chuyển đổi canh tác theo phương pháp hữu cơ, và chọn giống cam ngon nhất là cam xã Đoài lòng vàng, tuy sản lượng ít nhưng chất lượng".
"Trồng trọt theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi sự kỹ lưỡng đến từng chút và rất công phu, nhiều thời gian. Vì vậy, phải thật tâm huyết mới làm được", Tuyến nói. Năm đầu tiên, Tuyến phải cải tạo đất, sau đó theo dõi hằng ngày, ghi rõ tình trạng cây bệnh và có cách chăm sóc riêng cho từng cây. Đặc biệt, không phun thuốc trên trái mà dùng những cách dân gian để trị bệnh cho cây. Do không phun thuốc nên tỷ lệ cây sâu bệnh phải bỏ đi khá nhiều, thu hoạch giảm. Đơn cử vào mùa thu hoạch, vườn cam có sản lượng thu hoạch 10 tấn nhưng đã rụng đến 3,4 tấn. Khó vậy, nhưng khi ra sản phẩm lại càng khó hơn vì... giá cao gấp đôi so với sản phẩm cùng loại. Nhưng may mắn có "bà đỡ" Organica bao tiêu nên vườn cam của Tuyến khi vào mùa đã không đủ sản lượng để bán, bởi nhiều người dùng online cũng đã dùng thử và thích sản phẩm", Tuyến nói.
Từ vườn cam với diện tích 1,1 hecta (năm 2018), đến nay đã tăng lên 2,3 hecta, sản lượng đạt khoảng 8 tấn/năm. Ngoài ra, Tuyến còn trồng quýt với sản lượng khoảng 20 tấn/năm; chanh đào, mít...
Cùng đam mê như chị Tuyến, chủ vườn cây trái Nature Farm Bùi Thái Sơn (Bình Phước) cũng dành 5 hecta để trồng ổi, chuối, đu đủ, mít, xoài... theo hướng thuận tự nhiên. Sơn nói: "Khi thấy những người nông dân sau khi phun thuốc cho các vườn cây ăn trái  bị nhiễm thuốc và... mệt, thêm vào đó, thấy xu hướng nông sản sạch không chỉ an toàn cho sức khỏe bản thân mà cho cả cộng đồng nên tôi quyết định chọn ra 5 hecta đất sạch ở quê nhà để chuyển sang trồng cây ăn trái sạch".
"Cái khó của trồng cây ăn trái hữu cơ là khâu nghiên cứu sản phẩm, giống trồng. Bởi nếu trồng sai thì phải mất 1-2 năm sau mới "sửa sai"  được, chứ không thể nhổ bỏ trồng lại ngay như rau củ. Và mỗi lần sai phải khắc phục rất lâu và tốn kém. Tuy nhiên, đã chọn con đường này nên tôi vẫn cố gắng nghiên cứu và theo đuổi đến cùng", Sơn nói.

Nature Farm của Bùi Thái Sơn
Nature Farm của Bùi Thái Sơn
Cũng như Tuyến, đầu ra cho trái cây sạch cũng không dễ dàng. Sơn chia sẻ: "Lúc đầu trồng sạch nhưng bán ra rất khó vì ít ai biết trái cây hữu cơ là gì. Vì vậy, tôi phải bán cho thương lái. Mà qua thương lái thì giá mình bị hạ xuống tương đương như các loại cây trái trồng... đại trà khác. Đã vậy, trái cây hữu cơ vì không phun thuốc nên cũng không đáp ứng được yêu cầu của thương lái vì trái không to, màu sắc cũng không láng đẹp, bắt mắt. Cũng có lúc buồn, hoang mang nhưng khi gặp "bà đỡ" Organica và các sản phẩm bắt đầu có đầu ra ổn định tại hệ thống siêu thị này nên tôi yên tâm tiếp tục con đường nghiên cứu giống và phát triển cây trồng mới. Ba năm qua, từ siêu thị Organica, tôi cũng mở rộng thêm nhiều nhà phân phối mới và cũng được nhiều khách hàng tin mua nên doanh thu cũng ổn. Tuy nhiên, năng suất vẫn còn thấp, kéo theo giá thành nên tôi vẫn tiếp tục cải tiến".
Anh Lê Văn Toàn - vườn rau nhiệt đới Đồng Nai cũng "bật mí", chọn con đường rau sạch vì bị... chị Thảo thuyết phục và anh bước vào con đường trồng rau sạch đã 8 năm. Đến nay, dù đầu ra đã có thị trường nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều sản phẩm... không đúng chuẩn đang trà trộn trên thị trường. Đó là cái khó nhất lúc này mà những người trồng hữu cơ đang phải đối mặt, anh chia sẻ. Anh Toàn cũng cho biết thêm, trồng rau hữu cơ không quá khó nhưng do quy mô canh tác còn nhỏ nên giá thành cao. Nếu thị trường lớn hơn, canh tác hữu cơ trên quy mô lớn hơn, giá thành sẽ giảm và nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận được...
Theo đuổi con đường nông sản sạch, nguyện vọng của các startup này không phải là mong mỏi được Nhà nước hỗ trợ vốn mà là mong Nhà nước  có quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, đưa ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể hơn để những người tâm huyết, dám đi vào con đường này có được sân chơi công bằng, không bị đánh đồng với các sản phẩm... không sạch. Đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho các dự án startup đầu tư vào nông nghiệp để có thị trường đủ lớn, tương xứng với chi phí, công sức đầu tư vô cùng khó khăn mà họ đã bỏ ra. Theo Organica, để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm hữu cơ, từ nay đến hết năm 2021, sẽ có 20 container sản phẩm  được đặt tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, vừa bán trực tiếp đến người tiêu dùng, vừa bán trên trang điện tử wefarmer.vn.
Và không chỉ có "bà đỡ" Organica, hiện "siêu thị của nông dân" nằm trong hoạt động của dự án Food Connect cũng đang hướng dẫn nông dân, nhất là các startup muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu và hỗ trợ đầu ra cho họ, hướng đến đầu ra bền vững cho nông sản Việt và phát triển thành trung tâm phân phối nông sản để nông dân tập kết hàng và bán sỉ tại thành phố.
Ý Nhi (Theo Doanh nhân Sài Gòn/Dân Việt)
https://etime.danviet.vn/nhung-startup-dam-bo-pho-ve-que-20210206084401848.htm

Có thể bạn quan tâm