Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Những tấm bia đặc biệt ở Quảng Trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi báo Gia Lai số ra ngày 8-9-2022 đăng bài “Bia Anh hùng Wừu được dựng tại bờ Bắc sông Bến Hải”, đoàn cán bộ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã lên đường ra Quảng Trị tìm hiểu thêm thông tin và tận mắt chứng kiến hiện vật có một không hai được dựng tại đây từ năm 1958.

Chuyến công tác do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Y Đức Thành làm trưởng đoàn. Cùng đi có cán bộ Văn phòng Huyện ủy, ông Chrêng-Bí thư Đảng ủy xã Đak Sơ Mei và ông Nhêp-cháu của Anh hùng Wừu. Tại Quảng Trị, đoàn công tác đã đến viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, đồng thời sao chụp được một số tư liệu liên quan đến tấm bia Anh hùng Wừu và các anh hùng liệt sĩ khác.

Toàn văn bia Anh hùng Wừu

Ngoài các thông tin đã được công bố trên báo Gia Lai, ông Y Đức Thành cho chúng tôi xem bản sao một tập tài liệu mỏng nhưng hết sức quý. Đó là tập văn bản đánh máy mang tên “Trích yếu tiểu sử và tóm tắt thành tích 7 anh hùng liệt sĩ chống Pháp tại Khu tượng đài liệt sĩ huyện Vĩnh Linh”.

Bị bom đạn hủy hoại trong chiến tranh nên phần lớn các tấm bia nói trên đang được bảo vệ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh đều không còn dễ đọc. Tuy vậy, nhờ có tập tài liệu sao chép văn bia được thực hiện từ khá sớm bởi ông Phan Ngọc Hoàn nên mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn.

Toàn văn bia Anh hùng Wừu như sau:

“Liệt sĩ Vừu.
Anh hùng quân đội.
Huân chương Quân công hạng nhì.
Chủ tịch xã kiêm Xã đội trưởng du kích.


Đồng chí Vừu, dân tộc Ba Na, Tây Nguyên, Liên khu 5, hy sinh năm 50 tuổi. Đồng chí Vừu tham gia phong trào chống Pháp của Nhân dân Ba Na từ năm 1939.

Trong những năm địch xâm chiếm và khủng bố gắt gao vẫn bền bỉ bám sát Nhân dân, tuyên truyền vận động quần chúng, kiên quyết đấu tranh với địch, 2 lần bị bắt, địch tra tấn dã man nhưng đồng chí một mực không khai báo, vẫn giương cao khí phách của người đảng viên và tìm cách trốn thoát về tiếp tục hoạt động.

 Đoàn công tác Huyện ủy Đak Đoa bên cạnh bia Anh hùng Wừu tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (ảnh đoàn công tác cung cấp).
Đoàn công tác Huyện ủy Đak Đoa bên cạnh bia Anh hùng Wừu tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (ảnh đoàn công tác cung cấp).



Lần thứ 3, địch phục kích bắt được, tra tấn rất dã man, xẻo mũi, chẳng những không khuất phục được, đồng chí Vừu còn dùng kế lừa địch đến hầm chông làm chúng bị chết và bị thương hàng chục tên và đồng chí cũng hy sinh.

Liệt sĩ Vừu đã nêu gương kiên trì, nhẫn nại chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nguy hiểm, kiên quyết đấu tranh dũng cảm, phấn đấu đến cùng.

Trong dịp kỷ niệm 2 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1956, Chính phủ và Hồ Chủ tịch truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội và Huân chương Quân công hạng nhì”.

Về những tấm bia khác tại Nghĩa trang Vĩnh Linh

Cùng với tấm bia bok Wừu, trước đó, trên báo Gia Lai (số ra ngày 7-7 và 14-7-2022), chúng tôi đã viết về tấm bia đá ghi công trạng của Anh hùng Ngô Mây-liệt sĩ ôm bom cảm tử trong trận Rộc Dứa, Suối Vối (An Khê) năm 1947.

Theo tài liệu và hình ảnh mà đoàn công tác huyện Đak Đoa cung cấp, cùng với bia Ngô Mây (SN 1924) và bia bok Wừu (hy sinh năm 50 tuổi), tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh còn có các tấm bia của các anh hùng liệt sĩ: Trần Đức (1917), Lê Công Khai (1925), Nguyễn Đô Lương (1923), Trương Văn Ly (1924), Ngô Chí Quốc (1929).

Ở danh sách này, liệt sĩ Ngô Mây trở thành Anh hùng quân đội từ dịp Quốc khánh 2-9-1955, các liệt sĩ còn lại được truy tặng danh hiệu tương tự, nhân “2 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1956”. Trong số 7 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp được dựng bia tại Vĩnh Linh từ năm 1958, có 2 anh hùng quê ở tỉnh Thanh Hóa (Trần Đức, Lê Công Khai), các địa phương khác mỗi nơi có một người, cụ thể: Bình Định (Ngô Mây), Gia Lai (Wừu), Hà Tĩnh (Nguyễn Đô Lương), Quảng Bình (Trương Văn Ly), TP. Hồ Chí Minh (Ngô Chí Quốc). Trong đó có 3 người đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Gia Lai vào các năm 1947, 1952 và 1954, là: Anh hùng Ngô Mây, Anh hùng Wừu và Anh hùng Lê Công Khai.

Theo tài liệu lịch sử, liệt sĩ Lê Công Khai quê ở Hoằng Phú, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Là một trong những chiến sĩ Nam tiến, trong gần 9 năm đánh Pháp, ông đã tham gia chiến đấu và chỉ huy gần 40 trận. Ông từng bị địch bắt, tra tấn, giam giữ nhiều tháng liền nhưng đã mưu trí cùng đồng đội vượt ngục thành công trở về tiếp tục hoạt động trên chiến trường. Trải khắp Liên khu 5, bước chân đảng viên Lê Công Khai đã in trên những chiến địa lừng lẫy thời kỳ đó như Ninh Mã (Khánh Hòa), Túy Loan (Quảng Nam) hay Tú Thủy (Gia Lai)… Ông ngã xuống trong trận đánh đồn Đak Đoa ác liệt mùa hè năm 1954, trước ngày đình chiến không xa.

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 27-6-2018, UBND tỉnh xếp hạng Khu lưu niệm Anh hùng Wừu là di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo đó, trên địa bàn xã Đak Sơ Mei, di tích này bao gồm: Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu, nhà con gái ông, nền nhà cũ, mộ gió liệt sĩ Wừu và địa điểm đồn Đak Đoa trước kia.

Theo Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ, việc phục dựng một bản sao tấm bia về Anh hùng Wừu như bản chính ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh sẽ được thực hiện. Cùng với đó, theo chúng tôi, địa phương nên quan tâm đến nội dung bia ký về Anh hùng liệt sĩ Lê Công Khai. Sẽ rất có ý nghĩa nếu hoạt động tôn vinh liệt sĩ Lê Công Khai được thực hiện thông qua việc đặt tên đường, tên trường học, vì địa điểm đồn Đak Đoa-nơi Anh hùng Lê Công Khai hy sinh cũng chính là một phần của di tích lịch sử Khu lưu niệm Anh hùng Wừu.

 

NGUYỄN QUANG TUỆ

 

Có thể bạn quan tâm