Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Những tấm gương "Tàn nhưng không phế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt qua nỗi đau về thể xác do chiến tranh để lại, các thương-bệnh binh xã Kdang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi, thực hiện lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
 Ông Oam bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Đ.Y
Ông Oam bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Đ.Y
Những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi về thăm xã Kdang. Đây là xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cả 44 thương-bệnh binh sinh sống trên địa bàn xã đều cố gắng chiến thắng bệnh tật, vượt khó vươn lên.
Ở làng Rơ Khương có gương vượt khó vươn lên làm giàu của bệnh binh Oam. Năm 1968, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào mặt trận Khu 3 (huyện Đak Đoa ngày nay). Tham gia nhiều trận đánh, nhiều lúc sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng ông vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Hòa bình lập lại, ông trở về địa phương, là bệnh binh 2/3 với nhiều vết thương vẫn còn đau nhức đến tận bây giờ, nhất là lúc trái gió trở trời. Để nuôi sống gia đình, năm 1990, ông là người đầu tiên trong làng mạnh dạn vay ngân hàng 2 triệu đồng để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao là cà phê, hồ tiêu. Sau đó, ông tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích. Ông còn lặn lội sang tận Đak Lak mua giống chuẩn về trồng. Sau 10 năm, ông đã sở hữu 9 ha cà phê và 2.000 trụ hồ tiêu. Năm 2013, khi phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh, ông cũng là người đầu tiên trong làng trồng 2 ha cao su. Nhằm tạo điều kiện cho con cái phát triển kinh tế, ông dành phần lớn diện tích chia đều cho 7 người con làm ăn, chỉ giữ cho mình 4 ha cà phê và 2 ha cao su. Giờ đây, bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vợ chồng ông để dành được hơn 500 triệu đồng. Năm 2016, ông xây dựng ngôi nhà khang trang hơn 1,3 tỷ đồng.
Sau 43 năm đóng góp xây dựng quê hương, ông Oam đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Không những làm kinh tế giỏi, ông Oam còn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con trong làng, nhất là các gia đình trẻ làm kinh tế; cho họ mượn vốn không tính lãi, khi có nguồn thu mới phải hoàn lại. Là người có uy tín, mỗi khi trong làng có chuyện mâu thuẫn, ông Oam đều đứng ra phân giải thấu tình đạt lý nên ai cũng quý mến, tôn trọng. 
Trong khi đó, ở làng TLeo cũng có thương binh Hnúi là gương sáng vượt khó vươn lên. Năm 1966, ông Hnúi tham gia cách mạng, là bộ đội địa phương ở mặt trận Khu 3. Năm 1975, phục viên trở về làng với thương tật 71% nhưng ông không cam chịu đói nghèo. Ông bàn với vợ chuyển diện tích lúa rẫy sang trồng cà phê. Khó khăn thiếu thốn, vợ chồng ông phải đi làm thuê để có tiền đầu tư mua giống, phân bón. Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 14 ha cà phê, hồ tiêu... cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Hnúi cho biết: “Tất cả là nhờ cà phê, hồ tiêu, cao su. Nếu trồng mì, bắp, lúa rẫy có lẽ chỉ đủ ăn và chẳng biết đến khi nào mới làm được nhà”.
Ông Nguyễn Văn Hòa-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa: “Toàn huyện có trên 100 thương-bệnh binh làm kinh tế giỏi. Họ luôn nỗ lực vươn lên, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành những tỷ phú, triệu phú. Đây thực sự là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm