(GLO)- Tuổi đời còn trẻ nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, không ngại khó, ngại khổ, họ đã làm giàu và tạo lập một cuộc sống ổn định nơi quê hương thứ hai của mình.
Có chí thì nên
Sinh ra và lớn lên tại thị xã Ayun Pa, Ksor Nhe (hiện ở buôn Dù A, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) không được may mắn như bao người khác bởi chân trái bị liệt do áp xe khi tiêm thuốc lúc Nhe tròn 2 tuổi.
Ngôi nhà khang trang có được nhờ sự chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ của vợ chồng anh Ngư. Ảnh: Hải Lê |
Chỉ còn một bên chân khỏe mạnh, chuyện đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng Nhe chưa bao giờ nản chí. Suốt những năm tháng đi học, Nhe luôn là học sinh gương mẫu, học lực khá. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nhe thi đậu và theo học ngành quản lý đất đai tại Trường Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên. Sau chuyến thực tập tại xã Ia Mlah, Nhe nên duyên với một cô gái Jrai ở buôn Dù A và gắn bó với vùng đất chảo lửa Krông Pa kể từ ngày đó.
Có gia đình nhỏ, Nhe càng ý thức hơn phải tạo lập một nền tảng kinh tế để vợ con đỡ vất vả và chăm lo cho con cái sau này. Nhe bàn với vợ mạnh dạn vay vốn qua kênh của các tổ chức đoàn thể xã để đầu tư sản xuất. Với 4 ha đất, vợ chồng Nhe đầu tư trồng mì. Liên tiếp mấy năm nay mì được giá, vợ chồng Nhe không những đủ tiền trả nợ mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang. Riêng vụ mì vừa rồi, vợ chồng Nhe thu lãi gần 200 triệu đồng.
Ruộng lúa rất khác biệt ở vùng biên giới Ia Lâu. Ảnh: Hải Lê |
Dù không được sức khỏe như người khác nhưng bù lại, sự chịu thương chịu khó, quyết không đầu hàng số phận, giờ đây, Ksor Nhe đã và đang xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc và kinh tế khá nổi bật so với bạn bè đồng lứa tại vùng Ia Mlah với nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Nhe tâm sự: “Là thanh niên, trước hết phải có chí tiến thủ. Làm giàu cho bản thân, gia đình cũng là góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Muốn hết khó, hết khổ, mình phải biết cần cù, chịu khó. Người phụ đất chứ đất không phụ người”.
Làm đất nghèo nở hoa
20 năm gắn bó với vùng biên giới khát cháy Ia Lâu, quãng thời gian ghi dấu đầy thử thách để vợ chồng anh Hoàng Văn Ngư (dân tộc Tày) ở thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) gầy dựng một cuộc sống no đủ, ấm áp. Đó là điều mà ngày anh Ngư quyết tâm rời bỏ miền quê Na Rì-Bắc Cạn đến miền đất mới tìm kế sinh nhai, anh còn mơ hồ, chưa dám chắc…
Anh Nhe thu hoạch mì. Ảnh: Hải Lê |
Anh Ngư kể lại, năm 1994, cả gia đình anh vào đây lập nghiệp, vốn liếng trong tay chỉ vẻn vẹn 3 triệu đồng. Khi ấy, cả vùng Ia Lâu, Ia Piơr còn mịt mùng rừng, thôn Bắc Thái cũng chỉ có 6 nóc nhà thưa thớt. Chưa có nhà, vợ chồng anh phải ở thuê trong khu xưởng cưa của xã. Không còn cảnh khổ cực thả từng hạt giống trên núm đất bám rỉa đá tai mèo cheo leo thách thức, đất rừng Tây Nguyên bạt ngàn, màu mỡ như chất kích thích khiến ai nấy đều hăng say làm ruộng, phát nương. Hết lúa lại đến bắp, mì… hạt giống cứ đều đặn sạ gieo chẳng để đất nghỉ ngơi. Nhờ cần cù, chịu khó, nghèo đói bị đuổi đi xa, cuộc sống ngày một khấm khá. Từ 3 ha bắp cộng với 3,5 ha lúa mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình anh không dưới 200 triệu đồng. Cách đây 3 năm, nhờ dành dụm, tích cóp, vợ chồng anh cất được ngôi nhà cao ráo, đẹp đẽ nhất nhì thôn trị giá hơn nửa tỷ đồng. Hai đứa con học hành chăm ngoan.
Từ nghèo khó ban đầu, nhờ chăm chỉ cấy hái, vợ chồng anh đã khiến đất nghèo nở hoa. Những tấm gương như Ksor Nhe, anh Ngư chính là những viên gạch đỏ góp phần làm đổi thay diện mạo của những miền đất khó ở Gia Lai.
Hải Lê