(GLO)- Thời chiến tranh, cuộc sống của cán bộ và người dân vùng căn cứ kháng chiến rất khó khăn. Có thời kỳ, bữa ăn độn bắp độn mì với rau rừng, măng le dài dài tháng này sang tháng khác…
Rẫy rừng có thời điểm bị chất độc hóa học làm cho chết cây rụng lá, nhiễm độc không thể ăn nổi. Nhà cửa, vật dụng thì đơn sơ, tự xây cất, tự làm lấy từ gỗ rừng, tre rừng. Đời sống cán bộ thiếu thốn đủ thứ. Phần lớn các nhu yếu phẩm trong căn cứ, ngoài lương thực tự túc tại chỗ, đồng bào Tây Nguyên đóng góp, còn lại đều do cán bộ đi mua và cõng về từ đồng bằng, qua hàng trăm cây số đường rừng đèo dốc với cái giá sinh tử.
Năm 1971, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công ông Siu Tám làm Bí thư Khu 7 (huyện Kông Chro ngày nay). Ông Siu Tám hoàn toàn vui vẻ chấp hành. Tuy vậy, trong lòng ông có đôi chút e ngại. Ông chân thành thổ lộ nguyện vọng của bản thân với Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (tên thường gọi là Đẳng): “Tôi được điều đi làm Bí thư huyện mới, ra mắt anh em mới mà tất cả quần áo thì đã quá cũ, chẳng còn bộ nào cho ra hồn. Xin cơ quan cấp cho một bộ quần áo mới để tiện gặp mặt bà con Khu 7”. Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình bảo ông Vũ Phương-Phó Trưởng ban Tài mậu xuất tiền ra mậu dịch mua vải đo may cho kịp ngày hôm sau ông Siu Tám đi nhận nhiệm vụ. Để có được bộ quần áo mới, mấy con người phải tất bật cả đêm, từ xuất tiền, mua vải, cắt may trong điều kiện kinh phí không sao cân đối nổi…
Để có bánh kẹo ăn Tết, cuối năm, Văn phòng phải cử người đi cõng hàng từ đồng bằng. Có một cái Tết, khi ăn thứ kẹo rất ngon, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình hỏi ông Nguyễn Văn Bá-nhân viên phụ trách hậu cần: “Bá ơi, kẹo này ngon quá, nhưng sao lại vẫn mua được thứ kẹo giống năm ngoái vậy”. Ông Bá trả lời: “Thưa chú, đúng là kẹo năm ngoái. Tết trước ăn không hết, cháu phải giữ để Tết này chú tiếp khách”. Chú Đẳng bảo: “Cậu đúng là thần giữ của”.
Ảnh minh họa: Internet |
Thời điểm ấy, ông Lê Tiến Hồng làm Bí thư Khu ủy, đóng ở xã Gào-Bàu Cạn. Dưới sự chỉ đạo của ông Hồng, Khu ủy đã tích cực vận động người dân ở Pleiku và đồn điền Bàu Cạn đóng góp tiền bạc và vật dụng cho kháng chiến. Có đợt, ông Lê Tiến Hồng lặn lội về tỉnh, giao lại cho ông Bá nguyên cả túi vàng. Cầm túi vàng, ông Bá vừa vui mừng vì có thêm nguồn lực cho kháng chiến, vừa lo cách để cất giữ. Ông báo cáo với ông Nguyễn Sỹ Phùng-Phó Chánh Văn phòng phụ trách Hành chính-Quản trị về nỗi lo lắng của mình. Ông Phùng chỉ đạo gọi ông Võ Phương-Phó Trưởng ban Tài mậu dẫn theo một kế toán về Văn phòng để làm thủ tục nhận. Với số vàng khá lớn, lại không có dụng cụ cân đo, không cách gì vào sổ sách nên mấy anh em đều rất lúng túng. Cuối cùng, để có cơ sở bàn giao, ông Bá đã lấy ra 3 tờ giấy manh trải lên bàn rồi vẽ các ô trên giấy. Ba người cùng sắp từng miếng, từng khâu vàng theo thứ tự lần lượt vào từng ô. Trên các ô vuông ấy đánh dấu ghi chú từng miếng vàng. Khi xếp đủ các ô, số lượng vàng được gom lại cho vào túi bàn giao. Bên giao bên nhận cùng ký vào tờ giấy manh làm chứng!
Một thời giản đơn mà trong sáng thế. Người hiến vàng, người mang vàng, người giao vàng, người nhận vàng lòng cứ nhẹ tênh vì thương yêu, vì tin tưởng ở nhau, vì một lòng tin ở cách mạng! Đó là những tấm lòng vàng trong tháng năm kháng chiến khó khăn, khốc liệt.
NHÂN SƠN