Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Những "thành lũy" nơi biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã nỗ lực xây dựng, củng cố “cột mốc lòng dân”, coi đây là những “thành lũy” nơi biên cương Tổ quốc.
Xây dựng “cột mốc lòng dân”
Được Đồn Biên phòng Ia Mơr nhận giúp đỡ để thoát nghèo bền vững trong năm 2020, gia đình bà Ksor Chah (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) vô cùng phấn khởi. Bà Chah bộc bạch: “Nhà mình chỉ có vài sào đất trồng lúa nên không đủ ăn. Năm vừa rồi, xã quan tâm hỗ trợ 1 con bò và Bộ đội Biên phòng giúp làm chuồng, hướng dẫn cách chăm sóc để bò khỏe mạnh. Năm nay, bộ đội cho mình 2 con heo để nuôi, làm 1 nhà vệ sinh, hàng rào và chọn nhà mình để làm “Vườn rau kiểu mẫu” rộng 56 m2”.
Tương tự, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Trung tá Vũ Văn Hoằng-cán bộ Đồn Biên phòng tăng cường xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho hay, theo kế hoạch của xã năm 2020 sẽ phấn đấu xóa được 39 hộ nghèo, trong đó đơn vị nhận giúp 3 hộ (1 hộ ở làng Mook Đen 2 và 2 hộ ở làng Mook Trang). Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giúp các hộ cải tạo vườn tạp, vận động người dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, quan tâm đến chuyện học tập của con em các gia đình...
Anh Siu Dyơn (làng Mook Đen 2)-1 trong 3 hộ được đơn vị nhận giúp thoát nghèo-bày tỏ: “Nhà mình không có đất sản xuất, vợ lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống khó khăn lắm! Các anh Bộ đội Biên phòng thương lũ nhỏ nên cho 3 đứa con của mình đến ăn tại “Bếp ăn tình thương” của đơn vị. Mới đây, nhờ có bộ đội hướng dẫn, mình đã vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 2 con bò về nuôi”.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn gia đình bà Chah trồng rau xanh. Ảnh: Phương Dung
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn gia đình bà Ksor Chah (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) trồng rau xanh. Ảnh: Phương Dung
Ngoài giúp dân thoát nghèo, thời gian qua, các đơn vị trong lực lượng Biên phòng tỉnh còn gieo niềm tin nơi biên giới bằng những hoạt động hết sức nhân văn. Thượng tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng, triển khai các mô hình giúp đỡ người dân phù hợp. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh duy trì việc giúp đỡ 14-16 cháu qua mô hình “Bếp ăn tình thương”; các Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động cũng như các phòng, ban trong Bộ Chỉ huy duy trì có hiệu quả việc giúp 50 cháu qua chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đặc biệt có 11 cháu đang được nuôi dưỡng ngay tại các Đội Công tác địa bàn qua mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”...
Ông Rơ Lan Chim-Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr (huyện Chư Prông)-nhấn mạnh: “Thời gian qua, 2 Đồn Biên phòng Ia Mơr và Ia Lốp đã có nhiều đóng góp thiết thực giúp xã xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh nông thôn. Cán bộ Biên phòng còn tích cực tham mưu và trực tiếp giúp nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế, tổ chức thực hiện nhiều công trình giúp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.  
Giữ vững an ninh biên giới
Thượng tá Rơ Mah Tuân cho hay, đến nay, Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho 3 huyện biên giới thành lập, kiện toàn 13 tổ tự quản đường biên, cột mốc, đăng ký tự quản 11 cột mốc và 67,8/90 km đường biên giới của tỉnh; 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 1 tổ tàu thuyền tự quản và 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo.
Đơn cử, tại Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai), theo Đại úy Rơ Châm Jueh-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn, toàn xã Ia Chía hiện có 10 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và 1 tổ tự quản đường biên, cột mốc và trong mỗi tổ đều có cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia với vai trò là thành viên. Các tổ tự quản thường xuyên duy trì việc tuần tra, kiểm soát cũng như tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, do đó người dân yên tâm lao động sản xuất và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Tổ tự quản an ninh trật tự làng Hnap (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) tuần tra địa bàn. Ảnh: Phương Dung
Tổ tự quản an ninh trật tự làng Hnap (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) tuần tra địa bàn. Ảnh: Phương Dung
Ông Siu Phim-Trưởng thôn Biă kiêm Tổ trưởng Tổ tự quản an ninh trật tự thôn Biă (xã Ia Chía) cho biết: “Hàng tuần, các thành viên trong tổ đều tham gia tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân, do đó tình hình trộm cắp, đánh nhau trên địa bàn đã giảm hẳn”.
Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, an ninh trật tự thôn, làng đã đi vào nền nếp và ngày càng phát huy hiệu quả. Đến nay đã có 10.013 hộ/11.702 hộ đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 3.847 cá nhân đăng ký tự quản đường biên giới; 93 hộ và 120 cá nhân đăng ký tự quản mốc quốc giới.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quán triệt và triển khai cho các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của trên về nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ Biên phòng tăng cường xã và phân công đảng viên Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng và phụ trách hộ. Đặc biệt, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị lựa chọn mô hình giúp dân thiết thực, tập trung vào những khó khăn, nhu cầu thiết yếu của nhân dân và phù hợp với khả năng của đơn vị”-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhấn mạnh.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm