Bạn đọc

Những tủ sách nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2011, khi học tập tại Trường Đại học Champassak nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, tôi chứng kiến sự khao khát được đọc sách, báo tiếng Việt của bà con Việt kiều. Mỗi khi bà con tìm được quyển sách, tờ báo tiếng Việt là những người biết chữ Việt đọc to cho người khác nghe. Nhiều lần đi khắp 7 xóm Việt kiều ở Pakse-Champassak, tôi chứng kiến nhiều người cầm quyển sách tiếng Việt xơ xác đọc say sưa. Bà con thích nhất là các loại sách: lịch sử, văn học, địa lý Việt Nam. Bà con giải thích: đọc để nhớ nguồn cội, quê hương, ông bà tổ tiên; đọc để nhớ hồn dân tộc, lịch sử giống nòi… Cũng trong năm 2011, Báo Gia Lai đã tài trợ một ngày 10 tờ báo dành cho 7 xóm Việt kiều tại Pakse và một số đơn vị khác như Lãnh sự quán, Công ty Đào Hương. Những ngày ấy, khi có báo về, vì mỗi xóm chỉ có 1 tờ nên bà con thường tập trung tại trụ sở Hội, chùa Việt hoặc quán cà phê để một người đọc cho nhiều người cùng nghe.
 

Thư viện tỉnh tặng quà cho bà con Việt kiều tỉnh Ratanakiri. Ảnh: T.D
Thư viện tỉnh tặng quà cho bà con Việt kiều tỉnh Ratanakiri. Ảnh: T.D

Tôi đem những chuyện ấy kể với chị Mai Thị Loan-Giám đốc Thư viện tỉnh (thời điểm năm 2011-2012) và đề nghị chị giúp đỡ. Vượt quá sự mong đợi của tôi, chị Loan ủng hộ hết mình và kế hoạch tặng sách cho Việt kiều Lào được hình thành. Được sự chấp thuận của cấp trên, Thư viện tỉnh đã tặng hơn 3.500 bản sách với ý tưởng xây dựng 7 tủ sách cho 7 xóm Việt kiều tại thủ phủ Pakse, tỉnh Champassak. Sau 3 tháng làm việc tích cực, tháng 7-2012, toàn bộ số sách trên được chuyển đến tận tay bà con Việt kiều trong sự hân hoan khôn xiết. Từ ngày ấy, mỗi xóm Việt kiều tại Pakse có một tủ sách tương đương với thư viện cấp xã. Những lúc rảnh rỗi hay khi hội họp, bà con quây quần bên tủ sách để học tiếng Việt, nói tiếng Việt cùng nhau để văn hóa Việt không bị mai một nơi đất khách quê người.

Trong 2 năm (2011 và 2012), không chỉ xây dựng 7 tủ sách cho Việt kiều Lào, Thư viện tỉnh Gia Lai còn phát hành thư mục toàn văn để chào mừng kỷ niệm 49 năm (5/9/1962 – 5/9/2011) và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962 - 5/9/2012). Những ấn phẩm này được Lãnh sự quán Việt Nam và Hội Người Việt ở Champassak đánh giá rất cao về nội dung lẫn hình thức.

Năm 2016 này, mặc dù các hoạt động của Thư viện tỉnh đã “dày đặc” những công việc nghiệp vụ thường xuyên như tổ chức Hội báo Xuân, phát hành thư mục toàn văn, tổ chức Ngày Hội sách Gia Lai 2016, phục vụ sách lưu động, chuyển sách về các điểm bưu điện văn hóa xã… nhưng đơn vị vẫn duy trì hoạt động hướng đến Việt kiều.

Khi biết sự khó khăn về văn hóa, giáo dục của Việt kiều tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), nhất là vấn đề sách báo tiếng Việt, Thư viện tỉnh đã cố gắng thu xếp số lượng sách hiện có và dành 3.200 bản sách các loại để tặng. Đợt tặng sách này, Thư viện cũng lựa chọn những đầu sách về văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam bằng tiếng Việt để bước đầu xây dựng một thư viện mini cho bà con Việt kiều ở đây. Trong đó, ưu tiên các loại sách dành cho thiếu nhi để phục vụ cho các cháu học sinh đang theo học lớp tiếng Việt do Hội Việt kiều tỉnh Ratanakiri tổ chức. Đích thân Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thủy đến tận nơi, trực tiếp tặng sách và hướng dẫn nghiệp vụ để Hội Việt kiều tổ chức sử dụng hiệu quả. Tham gia cùng đoàn Thư viện tỉnh tặng sách, người viết bài này chứng kiến sự vui mừng của bà con và các cháu Việt kiều tỉnh Ratanakiri khi đón nhận món quà ý nghĩa. Trong tương lai, Thư viện tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục hỗ trợ để Hội Người Việt ở Ratanakiri có được một thư viện hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu học và đọc tiếng Việt của bà con tại đây.

Có thể những đóng góp về vật chất kể trên không nhiều nhưng sự quan tâm của một đơn vị sự nghiệp như Thư viện tỉnh khi dành thời gian, công sức cho Việt kiều ở Lào và Campuchia là việc làm đáng trân trọng và ý nghĩa. Ý nghĩa lớn nhất là tạo điều kiện cho bà con người Việt ở nước ngoài nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần qua việc đọc sách báo tiếng Việt. Từ đó, bà con Việt kiều giữ mối liên hệ với cội nguồn, quê cha đất tổ, bản sắc văn hóa Việt ở quê hương thứ hai.

 Nguyễn Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm