Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Những tỷ phú nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ở thủ phủ chăn nuôi heo lớn nhất miền Trung (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) xuất hiện thêm nhiều nông dân tiêu biểu với cơ ngơi lên đến hàng tỷ đồng.

Anh Tô Vũ Thành Tín ở tuổi 32 được coi là gương mặt tỷ phú trẻ nhất của huyện Hoài Ân, sau khi thành công với 2 mô hình nuôi chim trĩ và ong dú bản địa. Hiện 1.000 tổ ong dú, 5.000 con chim trĩ cho Tín nguồn thu ổn định từ 1-3 tỷ đồng/năm. Thành Tín từng học kỹ sư xây dựng, nhưng rồi bỏ ngang về quê nuôi chim trời trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè. Năm 2014, Tín bắt đầu tìm hiểu cách nuôi loài chim trĩ. Đến năm 2016, nhận thấy ở đồi núi Hoài Ân có loài ong dú rất quý hiếm, nên Tín quyết định thuần phục.

Nuôi chim trĩ mang lại thu nhập cao cho anh Tô Vũ Thành Tín

Nuôi chim trĩ mang lại thu nhập cao cho anh Tô Vũ Thành Tín

Kỳ công suốt 3 năm, nếm nhiều thất bại rồi Tín cũng thành công. “Ong dú là loài đặc biệt, bởi mật nó tuy ít nhưng rất quý hiếm và có giá trị y học cao. Mỗi loài ong ủ mật 10 ngày, nhưng ong dú ủ mật đến 100 ngày, mỗi tổ chỉ cho 1-2 lít mật (giá 1,6 triệu đồng/lít). Ngoài ra, mô hình nuôi chim trĩ cũng đa dạng: trĩ vảy xanh, vảy vàng, vảy đỏ; trĩ thương phẩm; chim công và nhiều giống chim nhập khẩu từ châu Âu, châu Á… Thị trường chủ yếu ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận”, anh Tín kể, và cho biết tới đây sẽ hướng đến xây dựng thành chuỗi sinh thái vườn chim đủ loại để phát triển thành điểm du lịch.

Người dân ở thôn Hội Long (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) trầm trồ kể với chúng tôi về “vua nấm” Nguyễn Xuân Truyện, năm nay mới 34 tuổi. Hơn 10 năm trước, Truyện đã vào Nam tìm kế mưu sinh. Sau đó, anh mạnh dạn gom góp khoản tiền 200 triệu đồng thành lập cơ sở sản xuất phôi nấm đầu tay ở tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2019, sau khi thành công ở Đồng Nai, Truyện trở về quê xây dựng xưởng sản xuất nấm 1.000m2. Hiện 2 cơ sở sản xuất nấm trên cho thu nhập mỗi năm gần 10 tỷ đồng, chủ yếu là nấm bào ngư, nấm linh chi. Để mở rộng thị trường, Truyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ sở sản xuất của mình, tìm kiếm hợp tác, đầu ra mới trên các sàn thương mại điện tử...

Anh Nguyễn Xuân Truyện với mô hình sản xuất nấm của mình. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Anh Nguyễn Xuân Truyện với mô hình sản xuất nấm của mình. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Ngồi giữa khu trại xứ đồi Phú Trị (xã Ân Nghĩa), anh Nguyễn Hoài Thương (46 tuổi) kể chúng tôi nghe hành trình “vác” tiền tỷ chinh phục xứ đồi hoang của mình. Đến nay, anh Thương đã đầu tư thành công mô hình trồng cây ăn quả 5ha trên đồi Phú Trị.

“Hiện, vườn tôi phát triển được 1.000 cây cam ruột đỏ, 500 cây bưởi da xanh, 600 cây mít, 700 cây sầu riêng. Tôi tâm đắc nhất 2 loài cây bưởi da xanh và sầu riêng. Trong đó, giống sầu riêng Musang-king (nhập từ Malaysia) lần đầu mang về trồng trên đất Hoài Ân đang phát triển rất tốt. Đây là giống sầu riêng thương mại, giá trị xuất khẩu rất cao. Dự kiến cuối năm nay, vườn cây cho thu hoạch 1-1,5 tỷ đồng”, anh Thương tự tin nói.

Những mô hình sản xuất của các anh Tín, Truyện, Thương… đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và góp phần lan tỏa, khích lệ những nông dân, người trẻ khác lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Theo lời ông Huỳnh Văn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân, địa phương đang có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, từ vật tư thiết bị, công nghệ sản xuất, giống mới và nguồn vốn, với kỳ vọng hình thành lớp nông dân trẻ tài giỏi, thành đạt.

Có thể bạn quan tâm