Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những vết trượt sầu - Truyện ngắn của Trương Thanh Thùy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hạ thường tới một mình, chỉ thỉnh thoảng tôi mới nhìn thấy người thân ngồi ngoài phòng dành cho người nhà đợi em. Mà người đi cùng cũng không phải ba hay mẹ, hình như là dì thì phải.

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
MINH HỌA: VĂN NGUYỄN


Hạ thường không nói gì. Thậm chí, khi tôi hỏi - và tất nhiên phải nhắc đi nhắc lại vài lần mấy câu hỏi không quá phức tạp đó - em mới ậm ờ trả lời cho có. Rồi thôi. Rồi em lại để mình lạc vô thế giới rất riêng đó, thế giới em đã xây để bảo vệ một cô gái từng tự chuốc tổn thương cho chính mình.

Câu Hạ thường hay nói với tôi nhất là xin thuốc ngủ. Nhưng như tất cả mọi lần, khi tôi nói không thì Hạ sẽ đứng dậy, đi ra ngoài. Chưa từng khi nào Hạ nói thêm một câu kiểu nài nỉ. Có một lần, Hạ nói với tôi một câu khá dài - tất nhiên vẫn chỉ xoay quanh chuyện đề nghị tôi kê thuốc ngủ vô đơn - đại ý rằng tôi không cần phải sợ Hạ sẽ trữ thuốc ngủ đủ để tự tử đâu. Hôm đó, Hạ khẽ nhếch môi cười rồi nói bâng quơ, “Em vẫn còn thích sống lắm!”...

*

Tôi không thật sự quý chị Linh. Tôi từng tự giải thích rằng vì nghề nghiệp khiến tôi không thể thích hay ghét những người quanh mình, cụ thể là những người mà tôi thường gặp. Mà, chị Linh thì tôi gặp hoài.

Chị Linh không phải bệnh nhân của tôi. Thậm chí, tôi từng nghĩ, chị Linh không bao giờ gặp vấn đề gì về tâm lý để cần tôi tư vấn cả. Có lẽ đó là thứ khiến tôi không thích chị ấy. Nói nghe khá mơ hồ và kỳ cục, nhưng sự thật là tôi khó lòng có thiện cảm với một người vô tư đến mức không bao giờ cảm thấy buồn hay căng thẳng. Nói tới đây thì rõ ràng là tôi không giữ lòng mình trung dung như đoạn trên vừa thanh minh thanh nga với chính mình. Ờ thì, tôi thật sự không thích chị Linh.

Chồng chị Linh từng là bệnh nhân của tôi. Từng, nghĩa là giờ ảnh không còn cần tôi tư vấn nữa. Hết hẳn bệnh chưa thì tôi không dám chắc. Chuyện thần kinh, tâm thần, tâm lý là chuyện mà kể cả bác sĩ như tôi cũng không dám khẳng định gì. Có giai đoạn, chồng chị Linh đã tìm cách tự tử. Khi gặp tôi, ảnh kể, không vì lý do gì, cũng không có cảm giác gì, chỉ là đứng ở sân thượng tòa nhà, tự nhiên chỉ muốn bước ra, lao xuống. Cũng ngay bữa đó, khi trao đổi với người nhà bệnh nhân - tức chị Linh - tôi thân làm bác sĩ mà phải tự tìm phương pháp định thần cho chính mình. Ai đời, người thân của người bệnh trả lời tôi gọn lỏn, “Ổng mà căng thẳng gì? Sướng quá nên sinh khùng điên!”.

*

Thường thì, người nhà của bệnh nhân sẽ không kể toàn bộ sự thật cho tôi. Họ không có trách nhiệm phải làm vậy, cho dù tôi có nói đằng trời rằng mọi thông tin tôi nghe trong căn phòng này đều sẽ được giữ lại ở đây; và rằng, nói ra hết nghĩa là giúp tôi nhanh tìm ra phương pháp tốt nhất...

Họ thường sẽ tự chủ động tìm tới và kể, khi người thân bắt đầu có những dấu hiệu đáng ngại hơn. Nói trắng ra thì là khi người thân của họ tìm cách hoặc đã thử giải quyết vấn đề bằng cái chết. Dì của Hạ cũng vậy!

Hồi lần đầu tiên, chị không xưng mối quan hệ với Hạ, chỉ ghi - và cả trả lời - bằng hai từ “người thân”. Giờ thì chị nói, chị là dì, là người được ba mẹ Hạ gửi gắm trong giai đoạn này. Gửi gắm toàn phần, từ ăn ở, sinh hoạt, điều trị, tới gần gũi, động viên tinh thần... Ba mẹ Hạ không còn mặt mũi nào để giữ em ở lại nhà sau “chuyện đó” - từ mà dì của Hạ nói là vậy.

Hồi lần đầu tiên, chị không nói rõ nguyên do khiến Hạ căng thẳng, chỉ đại khái trả lời tôi rằng, “con nhỏ buồn chuyện tình cảm, bạn bè. Gia đình nó cũng khổ, ba mẹ ít có thời gian quan tâm, đâm ra, nó phải chịu đựng hết một mình!”. Giờ thì chị nói, Hạ bị bắt ghen tại trận khi hẹn hò vô khách sạn với một người đàn ông đáng tuổi cha mình, người đàn ông trong mối quan hệ được gọi với cái danh xưng đang rất mốt, rất nổi lúc này - “sugar daddy”.

Chua chát thay, nhóm bắt ghen không phải chỉ là vợ của người đàn ông kia, cùng mấy bà sồn sồn ghét chuyện đàn ông trăng gió. Nhóm đó có ba người - vợ người đàn ông nọ, mẹ của Hạ và người yêu của Hạ. Không có cái đánh nào. Không một câu chửi bới, đay nghiến nào. Chỉ duy nhất một câu phát ra từ miệng của vợ người đàn ông nọ, “Nay tới đâu rồi, xong xuôi chưa? Xong rồi thì để cô trả tiền bữa này cho con!”.

Dì của Hạ kể hết một lèo, không vấp váp, không cảm xúc, không một câu bênh vực cho cháu mình. Chị kể vì chị biết đã tới lúc tôi cần được nghe. Chị kể vì chị biết Hạ cần được chăm sóc tâm lý nhiều hơn nếu sống sót rời khỏi phòng hồi sức mà em đang nằm sau đêm qua cấp cứu súc ruột.

*

Tôi không có trách nhiệm phải gặp chị Linh. Thỏa thuận giữa tôi với bệnh nhân không có khoản này. Nhưng tôi thường không kìm được một câu hỏi trong lòng, rằng, người bệnh đó giờ ra sao? Đó là lý do mà không phải mình chị Linh, mà tất cả mọi người nhà của bệnh nhân khác, tôi đều giữ liên lạc vài tháng, có khi là cả năm sau khi bệnh nhân kết thúc đợt trị liệu chỗ mình.
Chị Linh cũng có nhiều ưu điểm - đúng giờ và rất sòng phẳng. Chị luôn đến gặp tôi vào mỗi chiều thứ năm, khi giờ làm của tôi kết thúc được vài phút. Mỗi lần đến, dù tôi là người chủ động hẹn và chủ động nói thẳng rằng mình không tính phí khi gặp người nhà của bệnh nhân, nhưng chị Linh sẽ để lại trên bàn tôi một túi giấy nhỏ, đựng một phong chocolate của Bỉ và một phong bì chứa số tiền đủ với hai giờ tư vấn.

Tôi muốn hôm nay sẽ là bữa gặp cuối giữa tôi với chị Linh. Tôi không chắc mình đã thành công với chồng chị; bởi, tận tới bây giờ, tôi vẫn không hề biết nguyên do thật sự khiến anh trầm cảm là gì. Cả hai vợ chồng chị Linh đều dẫn tôi tới lời giải thích nghe hợp lý vô cùng, “Chắc hổng có ai mở công ty ngàn tỉ mà không căng thẳng!”. Và gần một năm rồi, chồng chị Linh vẫn khỏe, vẫn làm việc bình thường - theo lời chị Linh kể, chớ anh thì gần như không còn liên lạc gì với tôi, và tất nhiên là anh không biết những cuộc gặp gỡ giữa tôi với vợ anh mỗi tuần. Nên, nếu cứ hẹn gặp và nhận phong bì của chị Linh như vầy, tôi thấy mình đang sa dần vô con đường phi đạo đức.

Hôm nay, vẫn có túi giấy nhỏ đó, vẫn là một phong chocolate của Bỉ chính hiệu và một phong bì. Khác một chút là phong bì hôm nay nhiều hơn mọi lần rất nhiều. Trước khi đứng dậy ra về, chị Linh nói một câu bằng chất giọng khác hẳn mọi ngày, “Bác sĩ sắp xếp cho chị hai hoặc ba buổi khám mỗi tuần. Chị sẽ không đi cùng với người nhà đâu, vì làm gì còn có ai nữa!”...

Xong câu, chị Linh đứng dậy, đi một mạch ra cửa, không đoái hoài tới mấy câu gọi với theo của tôi. Tôi bàng hoàng thật sự. Không lẽ...

*

Hạ nhấc mắt nhìn tôi, rồi nhấc cặp môi trắng bệch lên, cố vẽ một nụ cười. Tôi không đáp lại nụ cười đó. Tôi chỉ nhìn em như từ nãy tới giờ tôi vẫn làm, rồi lại tiếp tục lặng thinh cho tới khi em khép mắt, trở lại với giấc ngủ.

Dì của Hạ không khóc, cũng không tỏ ra đang buồn. Tôi biết chị chỉ giỏi che giấu, chứ không phải là kiểu người không cảm xúc trước những bi ai của cuộc đời, của con người, nhất là người thân. Chị nói, khi nào Hạ xuất viện, ba mẹ Hạ sẽ đón em về nhà. Chị nhờ tôi giới thiệu giúp vài bác sĩ tâm lý giỏi mà tôi biết ở chỗ Hạ ở. Tôi khuyên không nên. Đưa em về lại nơi đã cứa vô lòng em vết thương này là quá mạo hiểm.

Dì của Hạ cười buồn, “Ba mẹ nó nói sống chết có số. Chết trong nhà cũng dễ tính hơn chết ngoài đường...”. Chị lặng đi, hít thật sâu sau hai chữ “ngoài đường” rồi nhếch môi cười rất buồn, “Ba mẹ nó đẻ nó ra mà. Ba mẹ nó mới có quyền quyết định!”.

Nhưng chỉ sau bữa đó hai ngày, không ai tìm thấy Hạ nữa. Dì của Hạ gọi, hỏi thử em có đến tìm tôi hay không, rồi gấp gáp kể Hạ trốn bệnh viện đi khuya qua, sau khi ba mẹ em vô thăm chừng một tiếng. Tôi như ngồi trên đống lửa nhưng cũng không thể làm được gì. Tôi không thật sự biết gì về Hạ để có thể đoán được em đã đi đâu, gặp ai, sẽ làm gì... Mà có biết, tôi cũng đâu thể bỏ mặc bệnh nhân của mình để tìm em được?! Thứ duy nhất tôi biết, rất rõ ràng, là trong lòng mình có một nỗi cảm thông, lo lắng rất lạ dành cho Hạ, không giống với bất kỳ bệnh nhân nào.

*

Tôi không chắc vì mình và chị Linh đã gặp nhau, đã trò chuyện đủ nhiều suốt một năm qua nên mối quan hệ thành thân thiết - theo cách hiểu nào đó - hay vì tôi quá lo lắng cho chồng chị, mà khi chị Linh vừa ngồi xuống ghế, tôi đã hỏi luôn, chồng chị thế nào?

Chị Linh khẽ cau mày rồi nhếch môi cười, “Ủa, chị trả tiền để mình được tư vấn chớ đâu phải để hỏi về ổng?”. Tôi nghe lòng mình nhẹ đi vài phần. Cách nói này chắc chắn không phải là của một người phụ nữ đang để tang chồng.
Chị Linh khẽ phẩy nhẹ mấy ngón tay khi nghe tôi hỏi về triệu chứng mà chị đang mắc phải. “Bác sĩ không cần hỏi mấy câu đó làm gì. Cả năm nay chị nghe cũng nhiều rồi. Chị nghĩ, nó không có tác dụng với chị đâu!”. Tôi lặng im. Chị Linh lặng im. Tầm một phút sau thì chị Linh bắt đầu nói không ngừng nghỉ. Nào là, chồng chị sướng quá hóa rồ, ra ngoài trăng hoa, gái gú, lúc đầu tưởng chỉ ăn bánh trả tiền cho mấy đứa “sạch sẽ” hơn loại gái đứng đường, được kêu gì gì đó, “sugar baby” thì phải. Tôi giật mình, không lẽ chị Linh đang nói tới Hạ? Có thể không?

Chắc là không. Hạ xảy ra chuyện mới chuyển tới đây với dì. Còn chị Linh và chồng lâu nay vẫn ở đây. Cũng có thể. Chồng chị Linh làm ăn to, đi đây đi kia thường xuyên cũng không có gì lạ; mà mỗi lần đi thì có thể là mỗi lần gặp Hạ cũng nên. Nhưng chắc là không đâu. Chị Linh có vô tư bao nhiêu cũng không thể là kiểu vợ đánh ghen văn minh như dì của Hạ kể... Tôi giật mình tự hỏi, sao lại để bản thân cứ loanh quanh về Hạ như vầy?

“Có phải kêu là “sugar baby” không?” - chị Linh hỏi lại, vừa đúng lúc một bóng đen lấp ló toan bước vô rồi lại thụt ngược ra. Tôi nén tiếng thở dài. Tôi biết đó là Hạ. Và tôi biết, hai từ tiếng Anh nọ là thứ khiến em bước trở ra. Chị Linh cũng đã ngoái hẳn đầu ra phía cửa, hỏi “ủa, bác sĩ còn hẹn ai khác nữa hả?”.

Và Hạ bước vô. Tôi không hiểu vì sao em lại làm vậy. Tôi không nói về nguyên tắc phòng tư vấn chỉ mình tôi với bệnh nhân - và tất nhiên Hạ biết rất rõ nguyên tắc này. Tôi nói tới phản xạ tâm lý của Hạ. Một người như em, trong hoàn cảnh này, với những từ ngữ nhạy cảm từ một người lạ mà vẫn quyết định bước vô, rõ ràng, hành động đó rất lý trí chứ không phải bộc phát.
Hạ nhìn chị Linh. Chị Linh nhìn Hạ, nhìn bộ dạng rúm ró trong bộ quần áo nhàu nát, bẩn thỉu, ẩm ướt trên người em - có lẽ vậy - chị thở dài, đứng dậy, “Thôi bác sĩ cứ tiếp cổ đi. Bữa khác chị tới!”. Hạ nguầy nguậy lắc đầu, lúng búng lát cũng nói thành một câu, “Dạ không, em chỉ tới để chào bác sĩ. Em xin lỗi đã chen vô!”. Nói rồi, Hạ quay người rất nhanh, đi như chạy. Nhưng thoảng trong tích tắc nào đó, tôi tin rằng mình đã thấy trên khóe mắt em có giọt nước lăn tròn...

Cuộc điện thoại từ dì của Hạ khiến tôi không đuổi theo em nữa. Chị nói, em đang ở nhà chị rồi. Mọi thứ tiếp theo thế nào, chị hứa sẽ kể cho tôi biết. Tôi lững thững quay trở lại và cảm thấy áy náy khi chị Linh vẫn ngồi ở hành lang trước phòng tư vấn đợi mình.

“Nhìn con nhỏ thấy... thương ghê vậy! Khó khăn hả? Hay chị gửi ít, bác sĩ chuyển cho nó giùm chị nghen?!”. Chị Linh vẫn nói bằng cái giọng kẻ cả của một người rất giàu quen với chuyện ban ơn cho người khác, mà giờ, tôi nghe lại thấy thương thương. Tôi không nghĩ mình thương chị Linh vì câu nói đó. Tôi thương gì cũng không chắc nữa. Không lẽ tôi thương cuộc đời phải dung chứa mấy chuyện tréo ngoe? Hay sâu thẳm trong tôi thương Hạ vì biết chắc rằng, nếu chị Linh biết em từng mắc sai lầm gì, chắc chị ấy sẽ ghét em lắm chứ đừng nói là thương hại như bây giờ. Tôi tất nhiên từ chối, vì sự thật là tôi không chắc có thể gặp lại Hạ hay không.

Chị Linh chào tôi ra về. Tôi giữ chị lại, hỏi về lý do thật sự đưa chị tới đây. Chị cười, “Nhà to, về một mình cô đơn lắm. Chị lại không có thói quen nói chuyện của mình với người khác, nên tới đây tìm bác sĩ để biết có người nghe mình thôi”. Rồi chị Linh lại cười, nụ cười nhếch mép ngạo đời của một người có đủ quyền để quyết định mọi thứ, “Chị không buồn, cũng không tức giận gì. Nếu ổng với nó đã thương nhau thiệt, chớ không phải chỉ chuyện qua đường thì chị nghĩ mình tức giận đâm vô lý quá! Thây kệ họ đi!”.

*

Cũng như mọi ngày, còn lại một mình trong căn phòng làm việc với bốn bức tường sơn trắng, mà sao hôm nay tôi lại thấy cô đơn lạ lùng? Tôi thẫn thờ nhìn màn hình điện thoại vẫn tối đen, tự hỏi, mình đang mong cuộc điện thoại từ dì của Hạ, đúng không? Chắc là đúng. Mà cũng chắc là không. Tôi hình như không đang đợi chờ gì cả, chỉ là nhìn vô một thứ được sinh ra để phục vụ cho nhu cầu kết giao của xã hội, để biết là mình thậm chí còn chả có lấy một mối quan hệ để đợi, để chờ.

Có người mất đi một người mà hóa rồ. Có người phải rời khỏi một người mới có thể trở lại bình tĩnh... Và cũng có người như tôi, điên hay tỉnh thật ra chưa khi nào từng tự biết, chỉ biết gồng cứng mình lên để thành tỉnh giữa những con người ngụp lặn trong bể hoang mang. Họ, có người thoi thóp thở với hy vọng sẽ tìm thấy con đường sống; cũng có người chỉ thở vì bản năng; và có những người buông xuôi, để mình chìm giữa dòng sông rồ dại, nhưng khoảnh khắc nào đó, họ lại tin đó mới là thế giới bình yên.

Theo Trương Thanh Thùy (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm