Kinh tế

Nỗ lực hành động vì lợi ích người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng chính sách.

Từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến các tổ chức chính trị-xã hội đã nỗ lực hành động, chung tay góp sức cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) phục vụ lợi ích người dân.

Những năm qua, Đảng ủy xã Ia Sao (huyện Ia Grai) luôn xác định việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Sau khi tiếp thu tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội của xã tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức chính trị đối với hoạt động tín dụng CSXH.

Hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Kể từ khi có Chỉ thị số 40 CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận về mọi mặt. Ảnh: H.N

Kể từ khi có Chỉ thị số 40 CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận về mọi mặt. Ảnh: H.N

Ông Lê Văn Hải-Bí thư Đảng ủy xã Ia Sao-cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, địa điểm làm việc cho tổ giao dịch của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện giao dịch vào ngày 16 hàng tháng; bố trí lực lượng Công an xã thực hiện bảo vệ an toàn phiên giao dịch.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ”.

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác tín dụng CSXH. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ hội, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả; phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý vốn vay; phối hợp thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay gắn với các chương trình, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-thông tin: “Tổng dư nợ ủy thác do Hội Nông dân quản lý không ngừng tăng, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW là 8,1%/năm. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua đó, Hội Nông dân các cấp đã giúp nông dân nắm được chủ trương, chính sách, tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, phát huy nội lực để giảm nghèo, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương”.

Huyện Kbang có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 48%. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai hoạt động tín dụng CSXH. Huyện cũng quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hơn 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện-nhấn mạnh: “Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đây là nội dung cực kỳ quan trọng trong công tác phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo quán triệt kịp thời nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc để tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Vận động, tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được vay vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thì chú trọng chỉ đạo triển khai hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác tín dụng CSXH”.

Ông KPĂ ĐÔ-Trưởng ban Dân tộc tỉnh:

Nhìn lại kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, chúng ta có thể khẳng định, các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành với mục tiêu rõ ràng, cơ bản phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Tín dụng chính sách đã triển khai đến 100% xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động tín dụng CSXH tham gia thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự chủ của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Mục đích vay đa dạng, thời gian vay vốn linh hoạt, lãi suất điều chỉnh theo từng thời kỳ đã tăng khả năng tiếp cận và thúc đẩy nhu cầu vay vốn đầu tư của đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng hộ nghèo người dân tộc thiểu số vay vốn ngày càng nhiều, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ đúng hạn.

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số đã sửa sang, nâng cấp nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ, ổn định đời sống để từng bước thoát nghèo bền vững. Thông qua đó, chính sách tín dụng đã góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc.

Bà RCOM SA DUYÊN-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

Trong 10 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cụ thể hóa bằng nghị quyết, kế hoạch, chương trình phù hợp với điều kiện của tỉnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.

Các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, lồng ghép với chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến nay đã hoàn thành, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch qua từng năm, nhất là chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số từ 34.387 hộ vào cuối năm 2022 đã giảm còn 28.173 hộ vào cuối năm 2023. Những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của tín dụng CSXH là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, là giải pháp quan trọng khơi dậy tinh thần, ý chí tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông ĐOÀN NGỌC CÓ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:

Để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, tỉnh ưu tiên nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tập trung lồng ghép các chính sách đầu tư của Chính phủ với nguồn vốn tín dụng chính sách để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về hạ tầng, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất...

Việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư không chỉ thực hiện giữa các chương trình MTQG mà còn được thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác nhằm huy động tối đa nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc từng chương trình MTQG. Đồng thời, phát huy vai trò nguồn vốn tín dụng CSXH đối với các chương trình, dự án thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hơn 6.300 tỷ đồng. Trong đó, 644 tỷ đồng vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình; 1.190 tỷ đồng vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn; 4.348 tỷ đồng vốn tín dụng và 133 tỷ đồng vốn huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, người dân. Việc triển khai các chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực về mọi mặt, góp phần cải thiện đời sống và thay đổi diện mạo các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể bạn quan tâm