Kinh tế

Doanh nghiệp

Nỗ lực trong điều kiện khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kết quả lần đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần đây nhất, trong tổng số 18 Công ty TNHH một thành viên (gọi tắt là DNNN), số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả là 9 DN, xếp loại A; 5 DN hoạt động kinh doanh bình thường, xếp loại B; không có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh yếu kém; 4 doanh nghiệp không đánh giá, là bởi vướng một số quy định chung, hiện tại chỉ hoạt động mang tính cầm chừng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với chính sách và cơ chế kinh tế nói chung, thị trường và sản xuất kinh doanh nói riêng. Theo đó, các DNNN tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Các DNNN đều phải tìm mọi giải pháp sao cho sử dụng vốn có hiệu quả nhất, chịu trách nhiệm trước đồng vốn mình bỏ ra.

 

 

Vốn luôn là một yếu tố cần thiết và quan trọng để tiến hành sản xuất kinh doanh, đồng thời nó cũng là tiền đề để các doanh nghiệp tồn tại, phát triển và đứng vững trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay DNNN cũng đang đứng trước khó khăn bất lợi về vốn, bộ máy chậm thích ứng với sự biến đổi của thị trường, lắm tầng nấc, trung gian, nhiều sự ràng buộc lẫn nhau, phần lớn cán bộ rất thụ động.

Ngoài 9 DNNN hoạt động có hiệu quả ra thì một số DN cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Tuy kết quả đạt được cuối mỗi năm không cao song cũng được đánh giá là có nỗ lực và có thể tin tưởng ở một sự bứt phá trong tương lai gần. Như Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ, trước tình trạng suy thoái kinh tế thế giới, Công ty đã nỗ lực vượt khó khăn để trụ vững.

 

Ảnh: Minh Thi

Tuy không hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước được UBND tỉnh giao và chỉ  xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, nhưng doanh nghiệp vẫn sản xuất có lãi, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách, bảo toàn và bổ sung được vốn nhà nước, thanh toán kịp thời tiền lương và giải quyết các chế độ, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Khó khăn nhất vẫn tập trung ở các DN lâm nghiệp. Theo nhận định của đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Hde (là đơn vị không đánh giá xếp loại) thì đơn vị nhiều năm không được giao chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí, Công ty phải cấp hỗ trợ để bộ máy hoạt động.

Cùng gặp khó với nguyên nhân như trên là các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku và Krông Pa khi trong năm 2012, 2 đơn vị này cũng không được giao chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên. Doanh thu năm 2012 có được là do khai thác gỗ chỉ tiêu năm 2011 chuyển qua, vì vậy cũng không đánh giá xếp loại doanh nghiệp. Năm 2011, Công ty Lâm nghiệp Krông Pa thiếu kinh phí khoảng 1,69 tỷ đồng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Lơ Ku thiếu khoảng 285 triệu đồng.

 

Ảnh: Minh Thi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ cho biết: “Trước tình hình đó, ngày 23-5-2013, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính gửi công văn cho Bộ Tài chính về giải quyết khó khăn cho các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp không có chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên. Bộ Tài chính đã có công văn trả lời, đối với các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp thiếu kinh phí cho nhu cầu chi thường xuyên do không được giao chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên (mà các khoản thu từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và các khoản thu, hỗ trợ không đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên của bộ máy quản lý, bảo vệ rừng tại doanh nghiệp) hiện không có quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thiếu”.

Để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng cho 2 công ty, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với những đơn vị không có chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên và các khoản thu khác không đủ bù đắp chi phí hiện đang chiếm dụng các nguồn vốn khác để chi phí cho bộ máy hoạt động của công ty.

Hy vọng những khó khăn trên sớm được tháo gỡ để DNNN phát huy hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế quan trọng của mình trong sự phát triển của kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm