Bạn đọc

Nỗi đau còn lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phía sau mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người luôn là rất nhiều đau đớn, xót xa. Người chết đã đành, những người ở lại cũng lay lắt, héo mòn vì nỗi đau giày vò, kinh tế gia đình kiệt quệ.  
Căn nhà nhỏ thấp lè tè nằm bên quốc lộ 19 thuộc thôn Nhơn Tân (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) quá đỗi mong manh trước những cơn mưa gió miền cao nguyên. 9 tháng trôi qua kể từ khi con trai tử vong do TNGT nhưng bà Võ Thị Mau vẫn vò võ nỗi xót con, thương cháu. Con trai bà-anh Đinh Nhật Trường (SN 1980) và người em rể cùng tử vong sau vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra vào lúc 17 giờ 10 phút ngày 3-3 sau khi va chạm với xe tải. Đoạn đường bị nạn chỉ cách nhà anh vài trăm mét. “Vợ chồng mâu thuẫn nên chúng nó chia tay. Cả 3 đứa con đều ở với nó. Hai đứa con gái lớn nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh kiếm công việc làm, còn thằng út ở nhà đi học. Giờ 3 đứa nhỏ thiếu vắng sự chăm lo, bảo bọc của cả cha lẫn mẹ”-bà Mau nghẹn ngào.
Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh thăm và tặng quà gia đình ông Trần Văn Quế nhân Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT. Ảnh: Hải Lê
Ông Lê Văn Hạnh (bìa phải)-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh thăm và tặng quà gia đình ông Trần Văn Quế nhân Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT. Ảnh: Hải Lê
Trong 11 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 267 vụ TNGT, làm chết 188 người, bị thương 214 người. So với cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 19 vụ (6,64%), giảm 7 người chết (giảm 3,59%), giảm 38 người bị thương (giảm 15,08%). 
Ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông Trần Văn Quế (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) giờ lại phải thay con nuôi cháu. Chị Trần Thị Hồng Nhiên (SN 1982) tử vong vì TNGT. Ngày trước, chị Nhiên kết hôn chưa được bao lâu thì chồng bỏ đi. Một thời gian sau, chị mới biết mình mang thai. Sinh con rồi nuôi tới khi con cứng cáp, chị gửi lại cho bố mẹ chăm giúp để vào Bình Dương kiếm việc làm. “Hôm đó, nó bắt xe Grab đi chợ, chẳng may gặp TNGT. Lúc bị nạn, trong người không có giấy tờ tùy thân, điện thoại cài mật khẩu không mở được nên người dân ở đó không biết cách nào liên hệ báo tin về nhà. Sau này, họ mày mò mở được mật khẩu báo tin thì chấn thương của con tôi quá nặng, phải chuyển vào Bệnh viện 175, không được bao lâu thì qua đời”-ông Quế nghẹn ngào kể lại. Từ bấy đến nay, đứa bé con chị Nhiên ở với ông bà ngoại. Dù thực tế cháu chỉ nương tựa vào ông bà ngoại già yếu nhưng cha mẹ vẫn còn hôn thú, lại không xác định được tình trạng của người cha nên để làm thủ tục xác nhận mồ côi khá khó khăn. Ông bà vì ngại làm tổn thương cháu nên cũng cứ gác lại… “Cháu tôi thiệt thòi nhiều. Vợ chồng tôi thương nó lắm. Nó còn bé đã chăm ngoan, lo học hành và chia sẻ công việc với ông bà. Nhưng tôi lo mai mốt vợ chồng tôi già yếu hơn, làm sao gồng gánh lo được cho cháu?”-ông Quế trải lòng.
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-chia sẻ: “Nỗi đau do TNGT gây ra là khó có thể đong đếm hết. Di chứng của TNGT không chỉ là tính mạng, sức khỏe mà còn có những “di chứng tinh thần” ám ảnh người thân, bạn bè đến suốt đời. Tai nạn giao thông còn để lại nhiều hệ lụy kinh tế-xã hội. Đến thăm các gia đình có nạn nhân thương vong do TNGT, lắng nghe tâm sự của họ, tôi rất đau lòng. Có nhiều gia đình TNGT đã cướp đi trụ cột, chỗ dựa vững chắc nhất, để lại cha mẹ già, con thơ… Hy vọng rằng, các địa phương và cộng đồng nơi có gia đình không may bị TNGT sẽ luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ để họ sớm vượt qua khó khăn, vơi bớt nỗi đau. Và hơn hết, mỗi người, mỗi nhà cần nâng cao ý thức bảo vệ mình trước hiểm họa TNGT”.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm