Điểm đến Gia Lai

Nơi gợi nhớ về đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh gần như là “địa chỉ đỏ” của riêng tôi trong những ngày tháng 7 hàng năm, nhất là nơi có người thân và đồng đội cùng cơ quan, đơn vị ngày xưa nằm lại hoặc nơi tôi đã có thời gắn bó. Những nơi ấy gợi nhớ bao điều về những người tôi thương quý.
Vĩnh viễn nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai là cậu Võ Trung, em kề mẹ tôi, hy sinh vào cuối năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ ở địa bàn K4 (huyện Chư Pah ngày nay). Ông được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ này từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông nguyên là cán bộ của Ban Tổ chức Khu ủy Khu V, được giao nhiệm vụ cùng đoàn cán bộ của Khu ủy về công tác tại địa bàn Gia Lai đầu năm 1972. Khi biết tôi là cháu của Võ Trung, anh Nay Tháo-nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Sê, cũng là một trong những cán bộ của Khu ủy cùng đoàn công tác với cậu tôi năm ấy kể lại nhiều kỷ niệm về cậu... “Trung lớn hơn anh mấy tuổi, nhưng trông trẻ hơn anh nhiều, tính tình vui vẻ, thân thiện, dễ gần, luôn hòa đồng với mọi người, là một đảng viên gương mẫu và luôn hoàn thành công việc được giao. Biết tin có đợt tăng cường cán bộ về Gia Lai, anh ấy tình nguyện lên đường... Sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), ngoài số anh em đã hy sinh, Khu ủy điều động số cán bộ ngoài đó tăng cường trở về Khu, riêng anh là người địa phương Gia Lai, anh xin được ở lại...”-anh Tháo kể lại. Và cũng có lẽ vì quý trọng cậu tôi mà anh Tháo luôn gần gũi, giúp đỡ, chỉ bảo tôi khi tôi mới về nhận công tác tại Chư Sê và còn bỡ ngỡ trong công việc được giao.
 Người dân đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: Đ.M.P
Người dân đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: Đ.M.P
Mới tuần trước, tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai thắp cho cậu nén nhang. Bao điều về cậu từ trong ký ức cứ hiện về mồn một. Cậu Trung thoát ly cuối năm 1963, cho đến lúc hy sinh chưa một lần trở lại thăm gia đình, quê hương. Đó là nỗi mất mát không gì bù đắp được, nhưng sự hy sinh vì nước ấy cũng là niềm tự hào của gia đình, quê hương.
Còn ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê, mỗi lần đến thắp nhang cho đồng đội, tôi như chẳng muốn rời. Những gương mặt, hình bóng đồng đội thân yêu đang nằm ở đây cứ hiện lên trong tôi như họ đang trước mặt-nơi tấm bia đá khắc tên. Anh Đặng Hạnh-một giao liên gan dạ-là người mà tôi coi như anh ruột. Quê ở An Khê nên với anh địa bàn vùng này như nằm trong lòng bàn tay. Những khi gặp việc cần cấp của lãnh đạo, anh đều lãnh trách nhiệm về mình và luôn hoàn thành công việc được giao. Hôm đó, một mình anh ra vùng địch hậu làm nhiệm vụ, trên đường không may lọt vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ. Trước làn đạn như vãi cát của chúng, anh đã vĩnh viễn không về. Khi đồng đội tìm đến nơi anh ngã xuống, thi thể anh đã không còn nguyên vẹn do bị thú dữ xé nát. Đánh máy bản thảo điếu văn hôm làm lễ truy điệu cho anh năm ấy, tôi không cầm nổi nước mắt.
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê cũng là nơi tôi thường đến thăm viếng. Gần 400 ngôi mộ tại đây còn không ít mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Khi mới về nhận công tác ở huyện này, đây là một trong những nơi tôi đến thăm đầu tiên. Rất phấn khởi khi thấy lớp lãnh đạo đi trước đã ý thức sâu sắc về công tác đền ơn đáp nghĩa cùng với việc lo ổn định nơi ăn chốn ở và phòng làm việc cho đội ngũ cán bộ, nhân viên khi huyện mới thành lập (năm 1981). Kế thừa lớp người đi trước, các thế hệ lãnh đạo của huyện sau này liên tục trùng tu, xây dựng, bổ sung nhiều hạng mục mới. Bây giờ, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê gần như một… công viên, có cây xanh, hoa cỏ, có đền thờ cúng, khói nhang cho linh hồn các liệt sĩ, có chuông đồng, có đường đi nội bộ, các hạng mục của công trình luôn được tu bổ, chăm sóc, giữ gìn sự trang nghiêm. Những hành động cụ thể ấy đã thể hiện sự tri ân, tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với những người không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. Và cũng thật ấm lòng người còn sống khi đến thăm viếng người thân, đồng đội nơi đây...
Nhân bài viết này, chúng tôi cũng muốn gửi gắm tâm sự của mình đến các ngành, các cấp có thẩm quyền khi trùng tu, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đó là cần có sự đầu tư thích đáng, có quy hoạch cẩn thận, đặc biệt hạn chế “bê tông hóa” nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ; tạo môi trường thân thiện nhưng phải trang nghiêm, thành kính, phù hợp với truyền thống dân tộc, là nơi giao lưu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước của ông cha.
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm