Thể thao

Thể thao cộng đồng

Nơi "truyền lửa" đam mê võ cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mục đích giữ gìn các thế võ truyền thống của dân tộc, Trung tâm Huấn luyện Võ thuật cổ truyền dân tộc (thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các võ sinh giao lưu, rèn luyện sức khỏe và phát triển năng khiếu bản thân.
Một buổi tập luyện của võ sinh tại Trung tâm Huấn luyện Võ thuật cổ truyền (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Phương
Một buổi tập luyện của võ sinh tại Trung tâm Huấn luyện Võ thuật cổ truyền (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Phương
Cứ vào 17 giờ hàng ngày, hàng chục võ sinh có mặt tại Trung tâm Huấn luyện Võ thuật cổ truyền dân tộc thực hiện các bài khởi động rồi tập luyện. Huấn luyện viên là võ sư Đặng Xuân Trung-Phó Trưởng Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên, kiêm Trưởng Chi nhánh Viện Võ học Việt Nam tại huyện Chư Prông. Trợ lý đắc lực cho thầy Trung là huấn luyện viên Huỳnh Như Phong.
Huấn luyện viên Huỳnh Như Phong cho biết: Võ đường được thành lập tháng 10-2020. Đến nay, võ đường đã có hơn 100 võ sinh. “Chúng tôi không có tham vọng lớn, chỉ là giúp các em rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân, sau nữa mới nâng cao ý thức gìn giữ vốn võ cổ truyền của dân tộc. Quan trọng là chúng tôi kích thích các em niềm đam mê võ thuật, tận tình chỉ bảo từng động tác, kỹ thuật, cho người học thấy được cái hay, cái nổi trội của môn võ cổ truyền”-huấn luyện viên Huỳnh Như Phong chia sẻ.
Võ sinh Nguyễn Văn Sơn (làng Mui, xã Bình Giáo) bộc bạch: “Em tham gia học võ ở đây gần 4 tháng nay. So với các môn võ khác, võ cổ truyền dân tộc có tính ứng dụng thực tế rất cao. Đòn thế phong phú, quyền thuật tay không, binh khí rất đa dạng. Em rất thích tập luyện môn võ này”.
Còn võ sinh Lê Thị Thúy (thôn 4, xã Thăng Hưng) thì thổ lộ: “Mặc dù là con gái nhưng em rất thích theo học võ thuật. Học võ để em rèn luyện sức khỏe và tự vệ cho bản thân, hơn nữa còn học cách tiết chế bản thân, học cách tôn sư trọng đạo”.
Anh Đặng Văn Hiếu (thôn 4, xã Thăng Hưng) cho biết: “Chiều nào tôi cũng chở con đến nơi đây tập võ để giúp cháu khỏe mạnh và bền bỉ hơn. Từ ngày cháu tập võ, cháu rất ngoan và lễ phép. Tại đây, các thầy không chỉ dạy võ mà còn khuyên bảo các cháu sống sao cho phải đạo”.
Trao đổi với P.V, võ sư Đặng Xuân Trung chia sẻ: “Võ cổ truyền dân tộc là di sản quý báu mà cha ông chúng ta để lại. Các bài võ cổ truyền không chỉ nằm trong các quyền thế mà còn hàm chứa những đòn thế tuyệt kỹ. Tấn pháp rất chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, di chuyển tiến thoái, nhu cương song toàn. Võ cổ truyền Việt Nam có đặc trưng lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy ngắn thắng dài. Mong muốn của chúng tôi là giúp môn sinh thấy được những đặc sắc đó để chăm chỉ luyện tập, gìn giữ và phát huy”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm