Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Chư Păh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) triển khai sâu rộng. Hưởng ứng phong trào này, bà con nông dân đã phát huy tính năng động, sáng tạo, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) được biết đến bởi sự nhanh nhạy, sáng tạo và nắm bắt kịp thời thị trường, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế gia đình. Ông Hùng cho biết: Năm 2017, ông trồng thử nghiệm hơn 100 cây sầu riêng xen trong vườn cà phê. Sau đó, thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên mỗi năm ông tiếp tục trồng thêm 100-200 cây. Khi cây sầu riêng khép tán, ông chặt bỏ dần cà phê để khoảng trống cho cây phát triển. Đến nay, gia đình ông có hơn 900 cây sầu riêng trồng thuần trên diện tích 5 ha và 1 ha cà phê.

“Sầu riêng được trồng theo hướng hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân chuồng, phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học do tôi tự tìm tòi pha chế. Năm nay, 250 cây sầu riêng cho thu hoạch hơn 25 tấn quả, bán với giá hơn 78 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tôi cũng thu về khoảng 140 triệu đồng từ 1 ha cà phê”-ông Hùng phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) bên vườn sầu riêng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: L.N

Tương tự, ông Lê Quang Giang (thôn 2, xã Ia Ka) có 80 cây sầu riêng giống Dona trồng thuần trên diện tích 0,6 ha và 1,2 ha cà phê xen canh cây bơ. Tất cả các loại cây trồng của gia đình ông đều được trồng theo hướng hữu cơ nên phát triển tốt, năng suất ổn định.

“Năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 14 tấn sầu riêng, bán với giá 62 ngàn đồng/kg, thu về hơn 800 triệu đồng. Còn cà phê thu hoạch được 20 tấn tươi, bán với giá 13 ngàn đồng/kg, thu về 260 triệu đồng. 100 cây bơ cũng thu hoạch được khoảng 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng”-ông Giang nhẩm tính.

Phát huy nguồn lực sẵn có, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, hội nông dân các cấp cùng với ý thức chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhiều hộ nông dân ở Chư Păh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Hoàng Việt Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nhin-cho hay: Hội Nông dân xã Ia Nhin có 1.071 hội viên. Qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hội viên nông dân trong xã đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhờ đó, xã có hơn 600 hộ thu nhập 100-500 triệu đồng/năm và khoảng 20 hộ thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, với tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương; hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân nghèo để phát triển kinh tế.

Ông Lê Quang Giang (thôn 2, xã Ia Ka) trồng 80 cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 14 tấn, thu nhập hơn 700 triệu đồng. Ảnh: L.N

Ông Võ Xuân Bảo-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh-cho biết: Trong năm 2023, Hội Nông dân huyện đã kết nạp được 332 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 10.384 người; thành lập được 28 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 1 chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây sầu riêng; phối hợp thành lập 5 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 1 nông hội. Đến nay, toàn huyện có 109 tổ hội, 6 chi hội nghề nghiệp, 19 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác và 6 nông hội.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được các cấp Hội chú trọng, phát động thường xuyên. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có 5.100 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện hiện có hơn 5,3 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ quỹ này, các cấp hội nông dân trong huyện đã phối hợp với ngân hàng giải ngân cho 4.629 hộ hội viên vay hơn 307 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất; phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 511 tấn phân bón trả chậm cho hội viên. Hội cũng quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trình diễn mô hình.

Bên cạnh đó, phong trào đã khuyến khích, động viên các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp trên 1.550 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây-con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm...

“Thời gian tới, hội nông dân các cấp tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” theo hướng tổ chức lại sản xuất, hình thành các mô hình liên kết chuỗi sản xuất lớn, bền vững; hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hội phối hợp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”-ông Bảo thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm