Bạn đọc

Nông dân Đak Pơ phấn khởi khi được hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án “Phục hồi an ninh lương thực và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng nghèo ở Tây Nguyên bị hạn hán ảnh hưởng” đã hoàn thành. Tại huyện Đak Pơ, nhờ được nhận hỗ trợ từ dự án này, nhiều hộ dân đã có thêm điều kiện để mua phân bón, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Quay quắt trong nắng hạn

Đak Pơ những tháng đầu năm 2016, khắp nơi quay quắt trong cơn hạn hán. Nắng nóng, hạn hán kéo dài đã khiến cho đất đai cằn cỗi, sông suối cạn khô. Người dân đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

 

Cấp phiểu đổi hàng tại xã An Thành. Ảnh: N.H
Cấp phiểu đổi hàng tại xã An Thành. Ảnh: N.H

Thời điểm ấy, cái hố nhỏ trong lòng suối Xà Guồng chảy qua địa bàn xã Hà Tam đã trở thành nơi cũng cấp nước cho hơn chục hộ dân tại thôn 6. Giếng phần thì nhiều vôi, phần thì đã cạn kiệt, hôm nào bà Trần Thị Thủy (thôn 6, xã Hà Tam) cũng xách xô ra suối để lắng nước trong đem về dùng. Theo lời bà Thủy thì chưa bao giờ con suối Xà Guồng lại cạn đến mức ấy.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, trong đợt hạn hán năm 2016, toàn huyện có hơn 1.289 ha cây trồng vụ Đông Xuân bị mất trắng và giảm năng suất. Tổng giá trị thiệt hại hơn 16,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nắng hạn cũng làm cho 357 giếng nước bị khô cạn. Tình trạng này đã khiến cho 1.043 hộ dân, tương ứng 4.634 khẩu bị rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Cây trồng cũng quay quắt vì thiếu nước.

Cứ tưởng, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó thì cuối năm 2016, những cơn bão dồn dập đổ vào khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Mưa lớn liên tục và kéo dài hơn một tháng trời đã gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nông dân. Mưa lũ đã làm hư hại 486 ha hoa màu, 129,7 ha lúa, gần 56 ha cây trồng hàng năm. Bên cạnh đó, đã có 33 con gia súc, 86 con gia cầm bị chết do mưa, lạnh; 2 căn nhà bị sập và một số tuyến đường, cầu cống bị hư hỏng. Ứớc giá trị bị thiệt hại lên đến hơn 21 tỷ đồng. Khó khăn lại chồng khó khăn.

“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”

Cuối năm 2016, người dân vui mừng khi Đak Pơ là một trong 3 huyện của tỉnh được thụ hưởng từ Dự án “Phục hồi an ninh lương thực và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng nghèo ở Tây Nguyên bị hạn hán ảnh hưởng”. Dự án do Tổ chức ActionAid Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), dưới sự tài trợ của Ủy ban Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự Liên minh châu Âu (ECHO). Thời gian triển khai thực hiện từ tháng 10-2016 đến tháng 5-2017. Tại Gia Lai, Dự án hỗ trợ trên 5,6 tỷ đồng để triển khai thực hiện tại 3 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt hạn hán vừa qua.

Huyện Đak Pơ có 473 hộ được hưởng lợi từ dự án này. Trong số đó có 353 hộ bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, mỗi hộ được nhận 3 phiếu mua hàng trị giá 2,5 triệu đồng cùng với 1 thùng nhựa để bảo quản nông sản. 120 hộ được nhận 2,2 triệu đồng tiền mặt. Đối tượng thụ hưởng là những hộ ít đất, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có chủ hộ là phụ nữ, mồ côi, người già neo đơn, người đơn thân, người bị khuyết tật, người bị bệnh kinh niên bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán xảy ra vào năm 2016 nhưng chưa được nhận sự hỗ trợ khẩn cấp nào.

Tại hội thảo khởi động dự án, lãnh đạo và cán bộ chuyên trách tại các xã đã được các điều phối viên của dự án hướng dẫn chi tiết cách lập kế hoạch triển khai dự án. Sau hội thảo khởi động, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức ActionAid tại Gia Lai tổ chức tập huấn hướng dẫn cách thức sử dụng, cũng như cấp phiếu mua hàng, tiền mặt và thùng nhựa cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong đợt hạn hán vừa qua.

Ông Nguyễn Minh Trợ (thôn 4, xã An Thành) cho biết: “Phiếu mua hàng rất thiết thực đối với bà con nông dân. Nó giúp bà con có điều kiện mua phân bón, giống để gieo trồng lại”. “Sau khi nhận phiếu này, tôi sẽ mua giống cây trồng. Đó là một việc giúp ích cho dân làng trong đợt hạn hán vừa rồi”-anh Đinh Hngấc (làng Kul Kol, xã An Thành) phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Luận-cán bộ phụ trách Dự án tại Gia Lai cho biết:  Cán bộ phụ trách dự án đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuyên truyền sâu rộng nội dung của dự án để người dân biết, từ đó bình xét, chọn hộ hưởng lợi một cách công khai minh bạch, đảm bảo công bằng và hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Quản lý Dự án huyện Đak Pơ phối hợp với UBND các xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và báo cáo các hoạt động đã triển khai tại cộng đồng bằng hình thức phiếu điều tra cập nhật hàng tháng nhằm định hướng các hoạt động đổi phiếu và sử dụng tiền hỗ trợ đảm bảo mục tiêu của Dự án, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh giữa các bên có liên quan.

Qua khảo sát cho thấy, các hộ đều nhận thức rõ ràng về mục đích, ý nghĩa của hoạt động hỗ trợ phiếu đổi hàng; thực hiện đổi phiếu đúng theo danh mục các mặt hàng quy định, đảm bảo yêu cầu của dự án. Việc cấp phiếu mua hàng đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân vùng hưởng lợi, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.  Các hộ được nhận tiền mặt cũng đã sử dụng tiền hỗ trợ để mua các nhu yếu phẩm hàng ngày. Đây là cách làm hay và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân như một cách trao “cần câu” cho người nghèo, giúp họ có điều kiện để phát triển sản xuất.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm