Xã hội

Nông dân Gia Lai chung tay xử lý rác thải, bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức hội thảo khởi động và triển khai Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2024. Hội thảo đề cập thực trạng xử lý rác thải tại địa phương, xác định giải pháp để triển khai có hiệu quả dự án trong thời gian tới.

Triển khai đồng bộ các nội dung

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban Quản lý dự án-cho biết: Mục đích của dự án là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Từ đó, dự án góp phần giảm phát thải nhà kính; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo việc làm, thu nhập cho hội viên nông dân.

Ông Đặng Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh chia sẻ về cách tuyên truyền, vận động hội viên chung tay bảo vệ môi trường tại hội thảo. Ảnh: Minh Nhật

Ông Đặng Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh chia sẻ về cách tuyên truyền, vận động hội viên chung tay bảo vệ môi trường tại hội thảo. Ảnh: Minh Nhật

Tại hội thảo, Hội Nông dân tỉnh đã thông qua nội dung nhiệm vụ của Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tỉnh Gia Lai. Dự án triển khai từ ngày 1-7-2022 đến ngày 31-12-2024 với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng.

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, lựa chọn áp dụng tại xã Ia Ake, Ia Peng và thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện); các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Hòa Phú (huyện Chư Păh); các phường: Sông Bờ, Đoàn Kết, Hòa Bình (thị xã Ayun Pa). Đối tượng thực hiện gồm: người nông dân sản xuất nhỏ; các trang trại, gia trại chăn nuôi; người thu gom thức ăn thừa, các nhà hàng…

Dự án được triển khai với các hoạt động: thúc đẩy các tổ/nhóm nông dân tham gia dự án; tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật xử lý rác thải; tham quan chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các sự kiện truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ xây dựng mô hình về xử lý rác thải hữu cơ.

Để triển khai có hiệu quả, dự án đã đào tạo 33 giảng viên nguồn là cán bộ Hội các cấp và hội viên có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường. Các giảng viên nguồn trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức, phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường.

Là 1 trong 33 giảng viên nguồn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bồi dưỡng kiến thức, ông Nguyễn Hữu Phú-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Nhing (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho biết: “Tham gia lớp bồi dưỡng, tôi được trang bị kiến thức từ các chuyên gia và trực tiếp thử nghiệm các mô hình: ủ rơm tại đồng ruộng, chăn nuôi gà trên đệm lót dày, lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế… Đây là những mô hình hay góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cho hội viên nông dân”.

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về thực trạng xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải đối với môi trường. Đề cập thực trạng môi trường ở Gia Lai, bà Hà Thị Thanh Thảo-đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh là 755 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị là 367 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 388 tấn/ngày.

Nhiều địa phương đã thành lập tổ tự quản, tổ thu gom rác nhưng công tác xử lý rác thải vẫn chưa đạt yêu cầu. Rác thải vẫn chưa được phân loại tại nguồn, thành phần rác thải còn chứa lẫn các thành phần độc hại như pin, ắc quy, bóng đèn, chất thải vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều khu vực không được thu gom rác dẫn đến việc hình thành các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tích cực tham gia các hoạt động thu gom, phân loại rác thải...

Từ thực trạng đó, một số tập thể, cá nhân đã chia sẻ cách làm hay trong tuyên truyền, xây dựng mô hình biến rác thải thành các nguồn lợi kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Nhật

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Nhật

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Chư Păh đã triển khai thành công một số mô hình như: xây dựng 78 bể thu gom rác thải nguy hại; 147 chuồng gia súc có hố thu gom phân và xử lý nước thải, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng; 4 mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường; 3 mô hình “sạch nhà-sạch đường-sạch đồng”; 5 mô hình tuyến đường nông dân tự quản “xanh-sạch-đẹp” tại khu dân cư; 3 mô hình “Nói không với rác thải nhựa”…

Ông Đặng Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện-thông tin: “Xử lý rác thải là vấn đề liên quan đến nhận thức, hành vi, thói quen của từng người dân trong cộng đồng. Hội Nông dân huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức xử lý rác thải ngay tại nhà và tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức cùng cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn”.

Chia sẻ về mô hình “Tổ thu gom rác thải”, bà Lê Thị Ngọc Trinh-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố 2 (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) cho biết: Hình thức hoạt động của mô hình là tuyên truyền, vận động hội viên góp các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa… vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải ngay tại nhà.

Triển khai từ năm 2021 đến nay, mô hình vừa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vừa xây dựng quỹ tình thương được 9 triệu đồng để thăm hỏi hội viên khi ốm đau và khó khăn, người già neo đơn và các em nhỏ bị chất độc da cam dioxin trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm