Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Gia Lai phấn khởi vì giá chanh dây tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả cũng như đầu ra của nông sản. Tuy nhiên, người trồng chanh dây rất phấn khởi khi giá luôn duy trì ở mức cao hơn những năm trước.

Toàn tỉnh hiện có 3.162 ha chanh dây đang vào thời kỳ thu hoạch. Trong đó, diện tích đã thu hoạch được khoảng 1.806 ha với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 7.224 tấn. Giá chanh dây trên thị trường trong những tháng gần đây tăng cao giúp nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập khá. Ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu, hiện nay, chanh dây Gia Lai còn tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong nước.

 Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Trần Ngọc Châu-Tổ trưởng Tổ liên kết trồng chanh dây thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: Nếu như mọi năm giá chanh múc chỉ 3.000-4.000 đồng/kg thì năm nay duy trì ở mức 8.000-9.000 đồng/kg. Riêng chanh xuất khẩu sang châu Âu có giá từ 35.000 đồng/kg trở lên, có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Ngoài cung cấp chanh múc cho Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai khoảng 500 tấn theo hợp đồng đã ký, các thành viên trong tổ còn bán ra thị trường với giá khá cao.

Còn ông Nguyễn Hồng Sinh (thôn 3, xã Hải Yang) thì chia sẻ: “Những tháng gần đây, giá chanh dây trên thị trường tăng cao hơn năm ngoái. Nếu chanh đẹp đủ tiêu chuẩn xuất sang châu Âu được thương lái thu mua với giá hơn 40.000 đồng/kg, chanh múc thấp nhất cũng đạt 6.000-7.000 đồng/kg, còn lại dao động 8.000-9.000 đồng/kg. Với 7 sào chanh dây, sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn 200 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Toàn huyện có gần 400 ha chanh dây của người dân và một số hộ liên kết với Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Từ đầu năm đến nay, giá chanh dây tăng cao hơn so với các loại cây trồng khác giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định. “Chúng tôi khuyến khích người dân nên trồng trên những diện tích hồ tiêu chết không có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, tại những diện tích cà phê đang trong giai đoạn tái canh năm 1-2, bà con cũng có thể trồng xen chanh dây để tạo bóng mát và tăng nguồn thu cho gia đình”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa nói.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Để cây chanh dây phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải chủ động liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu làm tốt khâu này thì dù có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng vẫn có nguyên liệu sản xuất. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chế biến từ chanh dây Gia Lai, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm