Vụ mì bội thu
Mì là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ia Pa với diện tích khoảng 8.900 ha. Tuy nhiên, khoảng 30% diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá nặng, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Nhằm giúp người dân tiếp cận giống mì kháng bệnh khảm lá, vụ Đông Xuân 2022-2023, UBND huyện triển khai thí điểm mô hình trồng giống mì HN5 tại 3 xã: Kim Tân, Chư Răng và Pờ Tó. Hiện toàn bộ diện tích này đã cho thu hoạch với năng suất 30-40 tấn/ha.
Có 2 ha mì tham gia mô hình, anh Phạm Văn Điệp (thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân) cho biết: Diện tích mì của gia đình đã thu hoạch vào cuối tháng 10-2023. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, cây mì không bị bệnh khảm lá, năng suất đạt 40 tấn/ha. Với giá mì tươi thời điểm này là 2.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 100 triệu đồng. Vụ trước, cùng diện tích này, năng suất chỉ đạt 27 tấn/ha. Với giá bán 2.400 đồng/kg, gia đình lãi trên 60 triệu đồng.
Các giống mì mới đưa vào sản xuất đều có khả năng kháng bệnh khảm lá, cho năng suất cao. Ảnh: Vũ Chi |
Cũng nhằm giải quyết bệnh khảm lá, đầu năm 2023, Hội Nông dân thị xã Ayun Pa phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến (TP. Hồ Chí Minh) triển khai trồng thí điểm giống mì HN1 trên diện tích 3,5 ha với 2 hộ dân tộc thiểu số ở xã Ia Rtô và Ia Sao tham gia.
Các hộ dân được hỗ trợ 100% giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Khi thu hoạch, người dân được hưởng toàn bộ củ và một phần hom mì để duy trì diện tích trong vụ tiếp theo. Phần hom mì còn lại, Công ty thu hồi để triển khai mô hình hỗ trợ các hộ dân khác.
Theo đánh giá, giống mì HN1 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, chống khảm lá 100%, năng suất đạt 35-40 tấn/ha, cao gấp đôi so với giống mì truyền thống.
Là 1 trong 2 hộ tham gia mô hình, ông Nay Tlăih (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) cho hay: Do bị nhiễm bệnh khảm lá, những năm qua, 3 ha mì của gia đình chỉ cho năng suất 15-20 tấn/ha. Vì vậy, khi Hội Nông dân thị xã triển khai trồng thí điểm giống mì sạch bệnh, ông đã đăng ký tham gia với diện tích 1,5 ha.
Đến cuối tháng 11-2023, gia đình đã thu hoạch xong diện tích mì này với sản lượng hơn 50 tấn. Thương lái mua mì tươi tại rẫy với giá 2.800-3.000 đồng/kg. Do được hỗ trợ toàn bộ nên gia đình thu lãi gần 150 triệu đồng.
“Phủ sóng” giống mì sạch bệnh
Khu vực Đông Nam tỉnh hiện có trên 40.000 ha mì. Tuy nhiên, diện tích mì kháng bệnh khảm lá chỉ khoảng trên 1.000 ha, chủ yếu là các giống HN3, HN5 triển khai tại huyện Ia Pa và Krông Pa; HN1 (thị xã Ayun Pa) và KM94 (huyện Phú Thiện). Theo đánh giá, các giống mì mới đều có khả năng kháng bệnh khảm lá, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Từ thành công của mô hình thí điểm, năm 2024, Hội Nông dân thị xã Ayun Pa tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân xã Ia Rtô và Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến nhân rộng mô hình trồng giống mì HN1 lên 9 ha.
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Đào Nhật Nam cho hay: “Do nguồn giống khan hiếm nên giá giống mì HN1 khá cao, khoảng 200 ngàn đồng/bó 20 cây. Bình quân mỗi héc ta, người dân phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng tiền giống.
Vì vậy, mô hình được triển khai từ nguồn kinh phí cá nhân đóng góp. Họ đều là những người tâm huyết với mô hình và mong muốn có được nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để đưa vào sản xuất trong vụ tiếp theo”.
Các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh đang tích cực đưa các giống mì kháng được bệnh khảm lá vào sản xuất. Ảnh: V.C |
Sau khi trồng thử nghiệm 20 ha trong vụ Đông Xuân 2022-2023, tháng 6-2023, huyện Ia Pa quyết định nhân rộng mô hình trồng mì giống HN5 tại 2 xã Ia Tul và Chư Mố với 12 hộ tham gia trên diện tích 17 ha. Hiện số lượng hom giống thu hoạch được tại 3 xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó đã nhân rộng thêm khoảng 100 ha trong vụ Đông Xuân 2023-2024.
Ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-nhận định: Theo tính toán, bình quân mỗi héc ta mì sẽ cho hom giống để nhân rộng được 7-10 ha trong vụ sau. Như vậy, khoảng 3-4 năm sau, huyện sẽ cơ bản phủ được giống mì sạch bệnh.
Cùng với triển khai mô hình hỗ trợ, huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động mua giống mì HN5 để trồng nhằm cùng địa phương sớm đẩy lùi bệnh khảm lá.
Tại huyện Krông Pa, giống mì HN3 và HN5 đã được triển khai trồng thí điểm từ năm 2021. Đến nay, toàn huyện có khoảng 150 ha giống mì sạch bệnh.
Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Năm 2024, huyện sẽ nhân rộng giống mì sạch bệnh lên 300 ha. Để phủ kín toàn bộ 22.700 ha mì của huyện bằng giống mới có khả năng chống bệnh khảm lá đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và sự chung tay của người dân.