Bạn đọc

Nông dân Ia Grai lao đao vì hồ tiêu chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, mưa lớn kéo dài đã làm hàng trăm ha hồ tiêu trên địa bàn huyện Ia Grai bị nhiễm nấm Phitophthora gây bệnh chết nhanh, chết chậm. Nhiều vườn tiêu trị giá hàng trăm triệu đồng bị xóa sổ khiến người nông dân điêu đứng.

 
Vườn tiêu của gia đình anh Rơ Mah Bran đang bị bệnh. Ảnh: H.T


Dọc tuyến đường dẫn vào thôn Lệ kim (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) hiện có khoảng trên 10 vườn hồ tiêu liền kề bị thiệt hại nặng do bệnh chết nhanh, chết chậm. Trong đó, vườn tiêu của các ông: Trần văn thành, Trần Ngọc Thanh, Bùi Duy Đông, Trần Văn Hồng… (cùng trú tại thôn Lệ Kim) gần như đã bị xóa sổ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Văn Thành cho biết, gia đình ông có 900 trụ hồ tiêu (gồm 500 trụ kinh doanh và 400 trụ mới trồng). Vườn tiêu của ông nằm ở vùng đất thấp nên khi trời mưa, hồ tiêu bị lây bệnh do nguồn nước từ các vườn hồ tiêu bên trên cao đổ về, nhất là đối với 500 trụ hồ tiêu sắp cho thu hoạch. Theo hướng dẫn của trạm khuyến nông huyện, ông Thành đã đổ vôi xử lý các gốc hồ tiêu bị bệnh và mua thuốc về phun nhưng vẫn không khống chế được bệnh. Ông Thành buồn rầu: “Chưa kể tiền công thì 500 trụ hồ tiêu này đầu tư hết 200 triệu đồng. Năm ngoái, gia đình thu bói được gần 200 triệu đồng. Số tiền này, gia đình đầu tư trồng thêm 400 trụ. Nhưng đến nay, 500 trụ hồ tiêu kinh doanh đã chết hoàn toàn, 400 trụ mới cũng đang bị lây bệnh, nếu không cứu được thì coi như gia đình mất trắng”.

Tại xã Ia Krái và Ia O, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu cũng khiến nhiều nông dân lao đao. Ông Hoàng Sáu (xã Ia Krái) buồn rầu: “Nhà tôi trồng được 800 trụ hồ tiêu, trong đó có 300 trụ đã bước vào kinh doanh và 500 trụ mới trồng. Năm nay, tiêu phát triển tốt, dự kiến thu được 3 kg tiêu khô/trụ. Vậy nhưng cách đây 10 ngày, nhiều trụ hồ tiêu bỗng bị thối rễ, héo lá rồi chết dần. Để khống chế bệnh, tôi đã làm rãnh thoát nước, mua thuốc về phun nhưng bệnh vẫn lây lan. đến nay đã có trên 40 trụ bị chết, thiệt hại khoảng 36 triệu đồng”. Tương tự, anh Rơ mah Bran (làng Lân, xã Ia O) cũng đang đứng ngồi không yên khi những ngày gần đây, nhiều trụ hồ tiêu của gia đình bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Anh Bran lo lắng: “Khi phát hiện hồ tiêu bị bệnh, mình đã phun thuốc 2 lần hết 7 triệu đồng nhưng không hiệu quả. Mới 10 ngày mà đã có 9 trụ bị chết và hơn 10 trụ đang bị héo nên mình lo lắm”.

 

Nhiều trụ tiêu tươi tốt, hứa hẹn cho năng suất cao bỗng dưng héo úa và rụng hết lá, hạt vì bệnh chết nhanh. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, anh Võ Xuân Thịnh-cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ia Grai cho biết: Đến thời điểm này, khoảng 80% vườn hồ tiêu trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, hộ ít vài chục trụ, hộ nhiều hàng trăm trụ. Trạm đã hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ trước mùa mưa và cách xử lý khi bệnh xuất hiện nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết thất thường dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ mua phải thuốc kém chất lượng nên việc xử lý không hiệu quả.

 Anh Thịnh khuyến cáo: “Bệnh này thường xảy ra rất nhanh, khi hồ tiêu héo là bệnh đã nặng do nấm đã ăn sâu vào bên trong các bộ phận của cây. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng bệnh cho cây hồ tiêu. Theo đó, bà con nên đào rãnh thoát nước, cắt tỉa bớt một số dây lươn và các nhánh cây dưới thấp để tạo độ thông thoáng cho cây và hạn chế tình trạng lá tiếp xúc mặt đất gây nhiễm nấm Phitophthora. Đồng thời, phun các loại thuốc phòng trừ nấm như: Atilette 80 WP, Ridomil M2 72WP, Ridomil Gold 68 WP... Khi cây hồ tiêu bị bệnh, cần tiêu hủy hoàn toàn gốc, lá, nhánh ở nơi xa; tiến hành đổ vôi trong toàn vườn và sử dụng một số loại thuốc như ridomil (hãng syngenta) và Agri-phos 400 phun kết hợp đổ gốc để khống chế và ngăn ngừa không để bệnh lây lan”.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm