(GLO)- Nhiều nông dân xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa giống mới năng suất cao vào canh tác. Nhờ vậy, giá trị kinh tế trên cùng một diện tích được nâng lên.
|
Ông Dương Tấn Cư (bìa trái; buôn Dù, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) bên vườn na dai của gia đình. Ảnh: Vũ Chi |
Ông Lê Quang Sáng-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Mlah-cho biết: Trước đây, người dân chủ yếu trồng mì và mía. Do sâu bệnh cộng với giá nông sản bấp bênh nên hiệu quả kinh tế giảm sút. Những năm gần đây, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất trồng mía, mì kém hiệu quả sang các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi một số mô hình hiệu quả. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới xuất hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: điều ghép, na dai, xoài Đài Loan, bắp sinh khối…
Gia đình ông Dương Tấn Cư (buôn Dù) trồng 1,2 ha na dai. Trước đây, ông trồng mì trên diện tích này nhưng do bị bệnh khảm lá nên năng suất giảm. Năm 2017, sau khi tham quan mô hình trồng na dai tại tỉnh Bến Tre, ông quyết định mua 200 cây về trồng. Sau gần 2 năm, thấy cây na dai sinh trưởng, phát triển tốt, ông đã chuyển đổi toàn bộ 1,2 ha mì sang trồng 1.000 cây na dai.
“Cây na trồng khoảng 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch 2 vụ/năm. Hiện nay, với 200 cây na dai 3 năm tuổi, tôi thu hoạch 4 tấn quả/năm, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng. Riêng 800 cây na 2 năm tuổi đang ra quả đợt 2. Ước tính khoảng 1 năm nữa, 1,2 ha na của gia đình sẽ cho nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. So với trồng mì, cây na dai cho thu nhập cao hơn rất nhiều”-ông Cư phấn khởi.
Hiện nay, cây na được ông Cư chăm sóc theo hướng hữu cơ, bón phân chuồng ủ mục, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và lắp đặt hệ thống van nước tự động. Ủy ban nhân dân xã Ia Mlah phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn ông Cư đăng ký tham gia chương trình OCOP.
|
Ông Vũ Quang Thoại (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) bên vườn bắp sinh khối của gia đình. Ảnh: Vũ Chi |
Trong khi đó, ông Vũ Quang Thoại (buôn Chính Hòa) thì ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên (Tập đoàn TH true Milk) trồng hơn 2 ha bắp sinh khối. Theo thỏa thuận, Công ty ứng trước 100% giống, 50% thuốc bảo vệ thực vật, khi thu hoạch sẽ được khấu trừ vào sản phẩm.
Ông Thoại chia sẻ: Với mật độ gieo trồng khoảng 75.000 cây/ha, trọng lượng mỗi cây bắp đạt khoảng 1 kg. Theo giá thu mua Công ty cam kết là 700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch bắp, ông tiếp tục trồng bí đỏ và mè để tăng nguồn thu.
“Sang năm, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng bắp sinh khối. Nhiều người trong xã cũng đến tham quan và bày tỏ mong muốn đăng ký tham gia mô hình trồng bắp này để nâng cao thu nhập”-ông Thoại cho hay.
Điều là cây trồng truyền thống của người dân xã Ia Mlah. Tuy nhiên, các giống điều trước đây thường cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, ông Phạm Đắc Trung (buôn Chính Hòa) đã vào tỉnh Đồng Nai tìm mua 200 cây giống điều ghép AB0508 về trồng.
Theo ông Trung, ưu điểm lớn nhất của giống điều này là thời gian sinh trưởng ngắn, trái chùm. Trồng năm thứ 2 đã cho thu hoạch khoảng 1 tấn/ha. Nếu so với giống điều truyền thống thì giống điều mới này có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Sắp tới, ông sẽ lai ghép toàn bộ diện tích điều còn lại để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Luân-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah-khẳng định: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế đã mang lại cho nông dân mức thu nhập cao, ổn định. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất một số giống cây trồng mới có triển vọng giúp bà con áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
VŨ CHI