TN - Đất & Người

Nông dân khóc trên những luống khoai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vụ việc thương lái cố tình “phù phép” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt vừa được lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng phát giác thực ra không còn mới mà đã trở thành vấn nạn làm đau đầu nhà quản lý, khiến nông dân thua thiệt bao nhiêu năm qua. Đã có nhiều chương trình hành động, giải pháp được đưa ra nhưng dường như tất cả mới chỉ như… đá ném ao bèo.
“Hô biến" trong chớp mắt
Liên tiếp trong hai ngày 21 – 22.8 vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng phát hiện hai cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản cố tình phù phép khoai tây nhập từ Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, sau đó cung cấp cho thương lái ở các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh.
Cụ thể, chiều 21.8, đoàn kiểm tra liên ngành Lâm Đồng phát hiện cơ sở của bà Đoàn Thị Chè, quầy 19, Chợ nông sản Đà Lạt có hành vi sử dụng máy rửa khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, một mẻ, cơ sở này rửa được khoảng 100kg khoai tây và chỉ tốn 3 – 4 phút, sau đó phủ đất đỏ của vùng cao nguyên lên bề mặt khoai tây, đóng gói, dán tem và chuyển đi tiêu thụ.
Tiếp đó, ngày 22.8, lực lượng chức năng lại phát hiện sai phạm tương tự tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Hiệp (số 340, đường Tự Phước, phường 11, TP.Đà Lạt). Tại đây, cơ quan công an thu giữ 4 tấn khoai tây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đã được nhuộm đất Đà Lạt.   
Lực lượng chức năng thu giữ lượng khoai tây Trung Quốc bị phù phép. Ảnh: Minh Lộc.
Lực lượng chức năng thu giữ lượng khoai tây Trung Quốc bị phù phép. Ảnh: Minh Lộc.
Điều đáng nói là, sai phạm của các cơ sở này ngày càng tinh vi và khó phát hiện bởi sau khi nhuộm đất Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc, số khoai tây này sẽ được đóng bao, dán tem truy xuất nguồn gốc do Ban quản lý chợ Đà Lạt phát hành. Vậy là nghiễm nhiên sản phẩm được “danh chính ngôn thuận” tỏa đi khắp nơi với cái tên… khoai tây Đà Lạt vốn đã được kiểm chứng về chất lượng.
Lý giải cho việc cố tình phù phép này, hai chủ cơ sở vừa bị phát hiện tại Đà Lạt trần tình, làm do yêu cầu của các mối hàng để dễ tiêu thụ. Nhưng rõ ràng, lợi nhuận quá lớn đã khiến nhiều tiểu thương “mờ mắt” dẫn đến làm liều, đẩy nông dân địa phương vào cảnh lao đao.
Được biết, khoai tây Trung Quốc nhập về có giá khoảng 4.000 đồng/kg, nhưng chỉ cần rửa sạch, tráng một chút đất của Đà Lạt, giá lập tức lên tới 8.000 – 8.500 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Kim Hiệp cũng thừa nhận, mỗi tháng cơ sở của bà cung cấp từ 6 – 12 tấn khoai tây Trung Quốc “đội lốt khoai tây Đà Lạt về các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Phần lớn khoai tây Trung Quốc nhập theo đường tiểu ngạch, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
Tốn tiền tỷ sao không hiệu quả?
Thực tế, việc nông sản Trung Quốc “đội lốt” nông sản Việt làm mưa làm gió ở thị trường trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng không phải là mới phát hiện mà nó đã trở thành “căn bệnh trầm kha” kéo dài qua nhiều năm.
Ngay từ năm 2016, những vụ việc sai phạm với hành vi tương tự đã được phát hiện, ngay sau đó, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh gian dối.
Tình trạng khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt đã kéo dài nhiều năm nay. Ảnh: I.T.
Tình trạng khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt đã kéo dài nhiều năm nay. Ảnh: I.T.
Thậm chí, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng còn xây dựng hẳn một đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt và sau đó phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu in ấn bao bì hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ khoai tây Đà Lạt.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ chi gần 1 tỷ đồng để in ấn 200.000 bao bì, loại đựng 2kg và 5kg khoai tây để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khoai tây Đà Lạt đóng bao bì trước đi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Dự kiến trong tháng 9.2018 sẽ tiến hành ghi nhãn các bao bì với khoai tây trong vụ hè thu này.
  Có thể thấy, cho đến thời điểm này, những động thái chấn chỉnh, giúp minh bạch hóa thị trường kinh doanh khoai tây Đà Lạt cũng mới chỉ dừng lại ở việc in ấn các tờ rơi, bao bì để nhận diện; việc xử lý các cơ sở sai phạm cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Việc dán nhãn lẽ ra phải được thực hiện nghiêm túc thì có thể thấy vẫn đang bị buông lỏng bởi bản thân 2 cơ sở vừa bị phát hiện sai phạm có thể tự ý dán lên bao bì đóng gói loại tem nhãn của Ban quản lý chợ, trong khi việc này, lẽ ra phải do người có chức trách làm.
Chính vì vậy, trong lúc chính quyền, ngành chức năng vẫn còn đang loay hoay với đề án thí điểm thì mỗi ngày có hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc được tuồn về Đà Lạt theo nhiều con đường, sau khi được phủ một lớp đất đỏ là nghiễm nhiên biến thành đặc sản Đà Lạt và bán với giá của “hàng xịn”.
Thực tế, trong chuyến làm việc tại Lâm Đồng cuối tháng 7, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập đến vấn nạn nông sản Đà Lạt bị giả danh nhờ sự tiếp tay của tư thương và không loại trừ khả năng cơ quan chức năng có phần buông lỏng quản lý và yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn triệt để. Khi đó, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận, tình trạng nông sản Trung Quốc bị tiểu thương giả mạo thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của Đà Lạt đã tồn tại từ nhiều năm qua. Tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này nhưng các sở, ngành vẫn chưa xử lý dứt điểm.
“UBND tỉnh giao UBND TP.Đà Lạt ban hành quy chế để quản lý chợ nông sản Đà Lạt, chỉ đạo UBND các huyện Đức Trọng và Đơn Dương tập trung quản lý, giám sát các tiểu thương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng hàng nông sản Trung Quốc giả danh hàng Đà Lạt. Giao Sở Công Thương cử cán bộ giám sát, trinh sát ngoài giờ để kịp thời phát hiện xe các vựa nhận hàng từ Trung Quốc sau đó đưa đi bán dưới danh là nông sản Đà Lạt để xử lý theo quy định”, ông Phạm S nói.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao đã có đủ các chế tài, quy định mà sai phạm vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác?
Anh Thơ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm