Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nông dân Krông Pa làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận dụng lợi thế về đất đai, nhiều hộ dân huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, gia đình ông Đồng Như Hưng (thôn Thanh Bình, xã Uar) chỉ quen với trồng điều, giá cả không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Năm 2020, ông Hưng quyết định chuyển diện tích điều kém hiệu quả sang trồng cây thuốc lá. Hiện nay, gia đình ông canh tác 4 ha điều, 6 ha thuốc lá. Ngoài ra, ông còn nuôi hơn 30 con heo rừng lai. Ông Hưng cho biết: “Với mô hình kinh tế tổng hợp, bình quân mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về trên 200 triệu đồng”.

 Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, anh Ksor Soen (buôn Ia Jip, xã Chư Drăng) còn mua máy cày để phục vụ sản xuất kết hợp làm dịch vụ. Ảnh: Phạm Ngọc
Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, anh Ksor Soen (buôn Ia Jip, xã Chư Drăng) còn mua máy cày để phục vụ sản xuất kết hợp làm dịch vụ. Ảnh: Phạm Ngọc


Tương tự, gia đình ông Giang Thanh Thác (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah) cũng là một trong những điển hình phát triển kinh tế, thu nhập cao từ trang trại kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Ông Thác cho biết: Năm 1996, ông đưa gia đình từ Thái Bình vào xã Ia Mlah lập nghiệp. Những năm đầu định cư trên vùng đất mới, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2010, ông vay ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư mua bò về nuôi. Năm 2016, ông quyết định bán hết đàn bò để đầu tư đào ao thả cá và mua thêm đất trồng mía, mì. “Cũng nhờ Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình mới gây dựng được trang trại này. Hiện nay, ngoài 800 m2 ao nuôi cá, tôi còn canh tác 4 ha mì và 3 ha mía. Nhờ hướng đi này mà gia đình tôi mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng”-ông Thác chia sẻ.

Dám nghĩ, dám làm là yếu tố quan trọng để chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình vươn lên làm giàu của anh Ksor Soen (buôn Ia Jip, xã Chư Drăng). Anh Soen cho hay: Từ khi trở thành hội viên Hội Nông dân xã, anh được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Sau đó, anh vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất. Hơn 5 ha mì, 4 ha điều và 20 con bò đã mang về gia đình anh 250 triệu đồng/năm. “Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, tôi còn mua máy cày để phục vụ sản xuất kết hợp với nhận cày thuê cho bà con trong buôn. Hiện nay, gia đình có của ăn của để, xây được nhà ở khang trang và có tiền lo cho các con học hành đầy đủ”-anh Soen nói.

Hội Nông dân huyện Krông Pa hiện có trên 10.200 hội viên, trong đó 2.600 hội viên có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Những năm qua, Hội ký kết với các ngân hàng tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn vay, nhân rộng các mô hình sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 111 tổ tiết kiệm và vay vốn với 4.361 hộ hội viên vay, tổng dư nợ hơn 346 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện đã thành lập được 33 tổ nghề nghiệp chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân trên 2 tỷ đồng cho các hộ hội viên nghèo vay phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Nhung-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Mô hình kinh tế tổng hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, đồng thời nhân rộng những mô hình điển hình phù hợp với mỗi địa phương. Cùng với đó là tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, kinh tế trang trại gắn với ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo.

 

PHẠM NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm