Với 3,5 ha trang trại, gia đình ông Đào Minh Châu (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) đang nuôi 16.000 con vịt và 2.200 con gà lấy trứng. Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, các tiêu chí về chuồng trại, kỹ thuật nuôi, con giống, phòng dịch được gia đình ông tuân thủ nghiêm ngặt. Hiện mỗi ngày, trang trại cung cấp cho thị trường 12.000 quả trứng vịt. Với giá bán 2.700-3.000 đồng/quả trứng, gia đình ông có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài chăn nuôi vịt, cách đây hơn 3 tháng, ông Châu đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng nuôi gà siêu trứng công nghệ cao. Ông Châu chia sẻ: “Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm trứng gia cầm của gia đình không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn vận chuyển sang cả Campuchia và Lào.
Tôi luôn theo dõi chặt chẽ, cung cấp đủ nước, thức ăn giàu dinh dưỡng, tiêm phòng để đàn vật nuôi nâng cao sức đề kháng, phát triển khỏe mạnh. Ngoài cung cấp trứng gia cầm sạch, tôi tích cực vỗ béo để xuất chuồng khoảng 4.000 con vịt thương phẩm phục vụ thị trường dịp Tết”.
Cũng nhằm phục vụ thị trường dịp Tết, từ tháng 9-2024, gia đình anh Lê Hùng Cường (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao) bắt đầu tăng đàn heo lên 120 con, trong đó có 50 con heo thịt. Anh cho biết: Dự kiến dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đàn heo thịt sẽ được xuất bán với trọng lượng đạt 1 tạ/con. Hiện giá heo hơi đang ở mức 68 ngàn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18 ngàn đồng/kg nên gia đình rất phấn khởi, tích cực chăm sóc, bổ sung thức ăn giàu tinh bột giúp đàn heo mau lớn, khỏe mạnh.
“Niềm vui của người chăn nuôi heo ở Phú Thiện năm nay là không bị tái phát dịch tả heo châu Phi. Hy vọng dịp Tết, giá heo ổn định giúp người chăn nuôi có lãi”-anh Cường kỳ vọng.
Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịp Tết cũng là mùa thu hoạch chính của người nuôi trồng thủy sản. Ông Tống Văn Tần (xã Ayun Hạ) cho hay: Mặc dù mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao do UBND huyện hỗ trợ triển khai đã kết thúc hơn 2 năm nhưng nhờ nguồn lợi nhuận đáng kể nên ông vẫn tiếp tục duy trì mô hình. Tôm do gia đình ông nuôi đều to, chắc thịt, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, thu hoạch bao nhiêu người quen đặt hết bấy nhiêu.
“Ước dịp Tết, sản lượng tôm thu hoạch khoảng 2-3 tạ. Tuy nhu cầu dịp Tết tăng cao, cung không đủ cầu nhưng gia đình vẫn giữ nguyên giá bán 200 ngàn đồng/kg. Để đáp ứng nhu cầu thị trường về các loại thủy sản, năm 2025, gia đình sẽ mở rộng diện tích ao nuôi, triển khai thêm mô hình nuôi cá thát lát”-ông Tần phấn khởi chia sẻ.
Theo thống kê, huyện Phú Thiện hiện có gần 22 ngàn con trâu, bò, hơn 3.200 con dê, hơn 63 ngàn con heo, hơn 192 ngàn con gia cầm cùng 370 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng đàn heo khoảng 54.000 con. Với các hộ chăn nuôi, thay vì quy mô nhỏ như trước, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô, đa dạng vật nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, việc đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo sản lượng và chất lượng là cơ hội để người chăn nuôi gia tăng thu nhập.
Song, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo bà con chú trọng phòng-chống dịch bệnh; đồng thời theo sát diễn biến thị trường để tái đàn, tăng đàn phù hợp, đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.
Cùng với đó, Phòng khuyến khích các hộ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cân đối các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.
Đồng thời, tận dụng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng, tạo nên vòng tuần hoàn của ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường.