Nhằm vực dậy vùng nguyên liệu, tháng 4-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 467/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ toàn bộ giống cho người trồng bông. Tuy vậy, người trồng bông vải chưa kịp vui đã phải đối diện với tình trạng giống bông kém chất lượng.
Hỗ trợ giống- Giải pháp mở rộng diện tích
Theo Công ty cổ phần Bông Việt Nam cho biết, trong vụ bông năm nay, nông dân ở 3 tỉnh Đak Lak, Đak Nông và Gia Lai đã ký hợp đồng gieo trồng bông vải với Công ty được khoảng 3.100 ha, tăng hơn năm ngoái gần 2.900 ha. Diện tích bông năm nay chủ yếu tập trung tại các huyện trồng bông vải trọng điểm của 3 tỉnh như: Buôn Đôn, Cư M’Gar, Ea Súp của Đak Lak; Đak Mil, Chư Jút, Krông Nô của Đak Nông; Gia Lai chủ yếu tập trung ở huyện Kông Chro.
Cây bông vải trên đất Kông Chro. Ảnh: Đức Thanh |
Để có được diện tích bông như hiện nay, ngoài hỗ trợ hoàn toàn về giống, Công ty cổ phần Bông Việt Nam đã cho nông dân ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư chuyên dùng để đầu tư cho cây bông. Công ty cũng đã cam kết tiếp tục thu mua hết sản phẩm bông mà bà con làm ra với mức giá như năm 2008 là 9.000 đồng/kg. Dự kiến, Công ty sẽ mở rộng vùng trồng bông vải ở 3 tỉnh này lên con số trên 21.000 ha vào năm 2020. Trong đó, Đak Lak khoảng 12.000 ha và Đak Nông khoảng 7.000 ha, Gia Lai trên 2.000 ha, năng suất bình quân đạt 18 tạ/ha và sản lượng khoảng 17.000 tấn bông xơ.
Nhưng chất lượng giống không đảm bảo...
Nhằm khôi phục vùng nguyên liệu bông vải trên địa bàn, trong niên vụ 2009-2010, Chính phủ quyết định đầu tư cho Gia Lai 7 tấn giống bông để trồng mới hơn 1.000 ha. Với loại giống mới VN01-2 nếu chăm sóc tốt năng suất có thể đạt 4 tấn/ha. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Bông vải Việt Nam đưa ra giải pháp tiếp tục hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và hợp đồng bảo hiểm bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá 9.000 đồng/kg. Huyện Kông Chro được hỗ trợ đầu tư trồng mới 450 ha bông vải cho gần 500 hộ dân.
Với những sự đầu tư cơ bản và đảm bảo đầu ra, trên lý thuyết, sau 5 tháng, nông dân sẽ thu lãi từ 10 triệu đồng/ha đến 15 triệu đồng/ha và ngay lập tức diện tích bông vải của huyện Kông Chro tăng lên 470 ha trong niên vụ năm nay, vượt 20 ha so với dự kiến ban đầu của Công ty cổ phần Bông Việt Nam- Chi nhánh Gia Lai. Nếu nhìn vào đà hồi phục ấy, có thể thấy những tín hiệu lạc quan đang trở lại với vùng nguyên liệu bông vải nơi đây.
Tuy vậy, thời gian qua, nhiều nông dân phàn nàn về việc Công ty cổ phần Bông Việt Nam- Chi nhánh Gia Lai cung cấp nguồn giống không đảm bảo chất lượng. Ông Mai Văn Huy- tổ 5- thị trấn Kông Chro cho biết: “Nghe tin Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để khôi phục cây bông vải, tôi rất háo hức. Nhưng khi nhận 18 kg giống về, tôi phát hiện 2/3 bị mốc, hạt không thể nảy mầm. Đợi đến khi đổi được giống thì mưa kéo dài không thể trồng được. Vì vậy, gia đình tôi chỉ trồng chưa đến 1 ha, còn lại chuyển sang trồng bắp…”.
Không riêng gì ông Mai Văn Huy, rất nhiều hộ dân ở Kông Chro lâm vào tình cảnh tương tự. Chính vì “sự cố” này nên niềm tin của nông dân huyện Kông Chro bắt đầu bị lung lay và không mặn mà với loại cây này như trước. Ông Huy cho biết thêm: “Nếu những vụ trước kia, mỗi hố chỉ gieo trồng 1 hạt giống, thì năm nay chúng tôi được khuyến cáo trồng 2 hạt giống/hố, khi cây lên sẽ tỉa đi một cây, gây lãng phí và mất công chăm sóc”.
Niên vụ 2003-2004, Tây Nguyên có hơn 20.000 ha bông vải. Do không cạnh tranh nổi với cây trồng khác, niên vụ 2008-2009, diện tích bông vải giảm sút thảm hại, chỉ đạt 13,5% kế hoạch. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn giống bông nêu trên được Xí nghiệp Giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) cung cấp. Dù thời hạn sử dụng trên bao bì đến năm 2010, nhưng một số bao giống không đảm bảo chất lượng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Khắc Năm- Trạm trưởng Trạm bông Kông Chro cho biết: “Trong quá trình nhận giống do sơ suất đã có một số bao (khoảng 1 tấn giống) bị mốc. Ngay sau khi có phản ánh của nông dân, chúng tôi đã báo cáo Chi nhánh để đổi lại và cung cấp cho người dân gieo trồng kịp thời vụ. Tuy nhiên, do mưa kéo dài nên một số hộ dân không kịp xuống giống và chuyển qua trồng các loại cây khác”.
Nhờ chủ trương đúng đắn của Chính phủ và của ngành Bông, vùng nguyên liệu bông vải trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang dần hồi phục. Nhưng để nông dân đặt trọn niềm tin vào cây bông vải thì cần phải tránh những sự cố tương tự.
Thanh Việt- Lê Anh