Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nồng nàn hương vị rượu cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.

Đặc biệt là vào dịp tổ chức lễ trọng như cúng thần linh, hội làng, bỏ mả, mừng lúa mới, lễ thổi tai, báo hiếu, đám cưới... hoặc khi có khách quý đến chơi.

Là người con Jrai, tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Chư Mố, huyện Ia Pa. Quê tôi một bên là núi, một bên là sông với những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Jrai. Đó là tiếng cồng chiêng trầm bổng, ngân vang, là những điệu xoang nhịp nhàng trong các dịp lễ, hội, là lời ca tiếng hát đối đáp trong những buổi lao động đổi công trên nương rẫy hoặc trên nhà sàn vào mùa trăng sáng, là hương vị thức ăn dân dã lá mì cà đắng, cá trích muối é, muối teng leng… Đặc biệt nhất là hương vị rượu cần.

Bên ghè rượu cần. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Bên ghè rượu cần. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Từ bé, tôi nhiều lần được xem các dì, các cô-những người phụ nữ trong làng, trong dòng họ đi hái rễ, lá cây rừng về làm men và nấu, ủ rượu cần. Nhiều lần trong các nghi lễ cúng tế của làng, của gia đình, dòng họ, tôi được nếm, được thưởng thức những cang rượu cần thơm phức do người phụ nữ Jrai tự tay nấu, ủ bằng công thức, bí quyết gia truyền. Hương vị đặc trưng của rượu cần của quê hương đã nuôi dưỡng ước mơ tôi.

Ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi gia đình, dòng họ đều có cách làm rượu cần với công thức, hương vị riêng. Đối với người Jrai vùng thung lũng Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện, rượu cần được xem là ngon khi rượu thành phẩm có hương thơm ngậy, nồng nàn, hòa quyện mùi men và mùi của nguyên liệu; có vị ngọt, đắng nhẹ (có gia đình quan niệm rượu ngon khi có thêm một chút vị chua), màu rượu vàng nâu óng ánh, cả nam và nữ đều có thể sử dụng được. Hầu hết trong các ngôi nhà, các gia đình người Jrai đều có rượu cần và đã là phụ nữ Jrai thì đều biết nấu rượu cần. Rượu cần được làm khá công phu bằng chất liệu chủ yếu như: củ mì, hạt gạo, hạt cào, bắp, bo bo, nếp... Mỗi loại hạt sẽ mang lại hương vị khác nhau. Ở vùng thung lũng bên dòng sông Ba và sông Ayun, với sự bồi đắp phù sa màu mỡ sau mỗi mùa lũ đi qua, sẽ là nơi có điều kiện thổ nhưỡng phát triển tốt cho cây lúa, bắp...

Do đó, nguyên liệu chủ yếu để nấu rượu cần của người Jrai nơi đây là gạo tẻ, gạo nếp, thỉnh thoảng có gia đình nấu bằng hạt bắp hoặc củ mì. Để có được một bình rượu cần ngon thì gạo sau khi được lựa chọn, làm sạch, nấu chín, để nguội, múc ra nia sẽ được ủ men tự nhiên theo tỷ lệ phù hợp, tiếp đến ủ trấu, bỏ vào ghè, đậy kín, để lên men trong khoảng 30 ngày là sử dụng được. Men ủ rượu được người phụ nữ trong gia đình tự tay làm sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến hương vị của rượu. Bên cạnh đó, tỷ lệ trộn men với nguyên liệu chính cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của rượu. Rượu được ủ trong ghè với thời gian thích hợp sẽ được đem ra dùng.

Để thưởng thức rượu cần, người dùng chỉ cần đổ nước lọc vào ghè ngâm khoảng 20-30 phút, lấy lá chuối hoặc lá dong phủ chặt lớp cơm rượu trên miệng ghè, để ngăn trấu tràn lên khi uống và cắm cái cần vào sâu gần đáy ghè. Khi uống rượu cần, người ta dùng cang, mỗi người uống 1 cang. Sau mỗi lần uống, nước sẽ được đổ thêm khi hết và uống cho đến khi rượu nhạt. Một ghè có thể bỏ 1, 2, 3 hoặc 4 cần để chủ nhà và các khách mời cùng uống, tùy theo buổi giao lưu, tiếp đón khách hoặc là buổi cúng tế thần linh, hay thực hiện các nghi lễ khác. Tuy nhiên, thông dụng nhất, người ta thường là dùng từ 1 đến 2 cần để uống rượu. Món đặc sản đi kèm với rượu cần không thể thiếu trong mỗi gia đình Jrai khi có lễ, có khách quý đến nhà chính là món lá mì cà đắng, món nham bung (một loại canh truyền thống của người Jrai được nấu từ lá yao, còn gọi là bột ngọt và bột gạo), muối é, cơm lam, gà nướng, thịt heo nướng bếp.

Nếu có dịp, xin mời các bạn, những du khách thập phương hãy đến với vùng thung lũng Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện để khám phá những nét văn hóa rất riêng của người Jrai chân chất, thật thà, hiền hòa, mến khách và cùng thưởng thức hương vị rượu cần nồng nàn, tận hưởng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với những vòng xoang nhịp nhàng, ấm áp.

Có thể bạn quan tâm