Kinh tế

Nông nghiệp

Nông nghiệp sạch "Chìa khóa" cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, ngành nông nghiệp rất quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi đúng đắn để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường.  
Chị Nguyễn Thị My Sa-chủ cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa (thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) cho biết: Cơ sở chuyên sản xuất các loại tinh dầu sả chanh, sả Java, dầu quế, bạc hà, hương nhu, long não, hương dầu vỏ cam, bưởi và nước cất tinh dầu tỏi, trầu không. Cuối năm 2019, chị mở cửa hàng trưng bày những sản phẩm do cơ sở chế biến. Sau đó, chị kêu gọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đưa sản phẩm sạch đến trưng bày, giới thiệu với người tiêu dùng. Hiện tại, cửa hàng của chị đang trưng bày nhiều sản phẩm sạch sản xuất tại địa phương như: đông trùng hạ thảo Trung Phúc, cà phê Xuân Dương, cà phê Mybella, mật ong Phước Hỷ, trà xanh cô Lý, chuối hột Ia Kreng, thịt heo gác bếp Ia Ly, các loại rau sạch sản xuất theo phương pháp thủy canh, măng khô, trứng vịt Chư Jôr và gần 10 loại tinh dầu từ thiên nhiên. “Với mong muốn tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm sạch, an toàn nên tất cả các sản phẩm ở đây đều được bán với giá thấp hơn ngoài thị trường”-chị Sa chia sẻ.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của anh Phạm Xuân Hưng (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang). Ảnh: L.N
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của anh Phạm Xuân Hưng (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang). Ảnh: L.N
Theo bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah: Qua công tác tuyên truyền, vận động của Hội, hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã thay đổi nhận thức trong sản xuất như hạn chế sử dụng thuốc hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không rõ nguồn gốc mà dần chuyển sang sử dụng phân hữu cơ để tăng độ an toàn cho sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. “Để giúp cho các sản phẩm nông sản sạch của người dân trên địa bàn huyện đến tay người tiêu dùng, Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức gian hàng trưng bày nông sản sạch. Đây là địa chỉ để tập trung giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp sạch do hội viên, nông dân của huyện làm ra”-bà Dương cho hay.
 Tham quan mô hình cà phê 4C tại huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Tham quan mô hình cà phê 4C tại huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tỉnh ta đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Những vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực theo mô hình nông nghiệp sạch ngày càng xuất hiện nhiều. Đơn cử như với cây cà phê, để từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP... Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với hơn 27.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 70.000 tấn nhân. Cà phê là cây trồng chủ lực, chiếm hơn 55% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Quan điểm của huyện là không mở rộng diện tích mà chủ yếu tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm và sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP, hữu cơ và theo chuỗi giá trị liên kết. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cà phê, huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp triển khai dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C trên địa bàn 10 xã gồm: Đak Sơ Mei, A Dơk, Ia Pết, Ia Băng, Hà Bầu, Hnol, Đak Krong, Hneng, Kdang, Glar với 300 nông hộ tham gia, diện tích 370 ha. Đồng thời, người sản xuất có thể nâng cao chất lượng, giá trị cà phê bằng phương pháp chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cà phê.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT: “Thời gian tới, các hợp tác xã và doanh nghiệp cần đi đầu trong sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm đến liên kết sản xuất giữa hộ dân với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao, chất lượng tốt, giúp cho quá trình truy xuất nguồn gốc thuận lợi, đảm bảo xuất khẩu đi những nước yêu cầu có truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Ogranic ngày càng được mở rộng, có sự đồng hành của các doanh nghiệp và nông dân. Ông Thái Như Hiệp-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Hiện Công ty đang có 300 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn Organic, trong đó khoảng 45 ha đã cho thu hoạch và được chứng nhận đạt chuẩn Organic. Ngoài ra, Công ty đã liên kết với nông dân các huyện Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Sê sản xuất cà phê bền vững 4C được hàng ngàn héc ta. “Cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn Organic và tiêu chuẩn 4C đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đây là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị của cà phê thì cần tập trung hướng đến công nghệ chế biến sâu, cho ra thị trường sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”-ông Hiệp chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị My Sa-chủ cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) giới thiệu sản phẩm tại của hàng nông sản sạch. Ảnh: L.N
Chị Nguyễn Thị My Sa-chủ cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) giới thiệu sản phẩm tại của hàng nông sản sạch. Ảnh: L.N
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 14.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C; 1.200 ha rau, cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 1.000 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, đã có 45 ha cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và 14 ha hồ tiêu ở xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) được tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tỉnh cũng đã hình thành 3 vùng liên kết sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, 1 vùng liên kết sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, năm 2019, toàn tỉnh đã hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp hơn 950.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, tỉnh có 2 sản phẩm là cà phê và chanh dây đang xây dựng chỉ dẫn địa lý; nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản như: khoai lang Lệ Cần, thịt bò một nắng Krông Pa, gạo Phú Thiện, mật ong Gia Lai, chôm chôm Ia Grai, cà phê, hồ tiêu, chè… đang được xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Thời gian qua, ngành nông nghiệp hết sức quan tâm đến việc sản xuất nông sản sạch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, Sở đã chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất nông sản sạch để nâng cao chất lượng chứ không chạy đua nâng cao năng suất; trong sản xuất phải hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học để tránh tồn dư chất bảo vệ thực vật trong nông sản. Ngoài ra, ngành tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, hầu hết sản phẩm nông sản của tỉnh không có tồn dư hóa chất độc hại. 
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm