Nhiều loại nông sản ở Lạc Dương làm tốt khâu chế biến sâu, giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”, từ đó hàng hóa nông dân sản xuất ra có giá ổn định hơn, nông sản chế biến bảo quản được lâu và xuất khẩu giá cao hơn.
Thực tế, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều nơi nông dân khóc ròng vì tình trạng nông sản bí đầu ra, giá giảm mạnh, phải “giải cứu” do khó tiêu thụ. Song, nông sản chế biến của Lạc Dương gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí tại một số doanh nghiệp, sản phẩm nông sản chế biến còn cháy hàng do nhu cầu tăng đột biến khi dịch bệnh bùng phát. Điển hình như cà phê chế biến rang xay ở Lạc Dương với nhiều thương hiệu như K’Ho Coffee, Chapi Coffee, Yu M’nang Coffee…
Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm xuất khẩu |
Với mong muốn bà con Đạ Sar có thể bán cà phê giá cao và giữ lại vườn cà phê mà họ đang trồng, chị Liên Jrang K’Chăm đã xây dựng thương hiệu cà phê Yu M’nang và cùng với tổ chức SNV kết nối bà con sản xuất cà phê chất lượng, chế biến thành phẩm để bán với giá cao hơn rất nhiều lần. Ngoài ra K’Chăm còn mở showroom để mọi người có thể thưởng thức thành phẩm từ hạt cà phê do chính người nông dân trồng ra.
Chị K’Chăm chia sẻ: “Từ năm 2012- 2018, tôi có cơ hội làm việc cho Công ty cà phê Moka Việt, khoảng thời gian này, tôi phụ trách rang xay cà phê và có cơ hội học hỏi thêm. Với mong muốn tự phát triển thương hiệu cà phê ngay tại buôn làng mình để có thể tận dụng nguồn nguyên liệu vốn có, tôi quyết định thuyết phục gia đình xây dựng nhà xưởng, sắm thiết bị rang, xay, đóng gói cà phê và mở quán cà phê mang thương hiệu cà phê Yu M’nang của riêng mình. Nếu như trước kia, người dân chủ yếu bán cho tiểu thương nên thường xuyên bị ép giá thấp hơn 1-2 giá thì khi liên kết với cà phê Yu M’nang nông dân yên tâm về giá cả, với giá bán cao hơn hẳn so với thị trường từ 3-4 giá”. Hiện sản phẩm cà phê rang xay của Yu M’nang đã mở rộng khắp thị trường, đồng thời cũng hợp tác cùng Công ty Moka Việt để xuất đi Hàn Quốc.
Vấn đề bảo quản sau thu hoạch, phát triển thị trường cũng là khâu quan trọng trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả ở Lạc Dương. Theo báo cáo của huyện Lạc Dương, đối với doanh nghiệp, 100% đã có kho chứa bảo quản nông sản. Nhiều doanh nghiệp đã có thị trường riêng cho mình: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, hệ thống siêu thị… Một số đã xuất ra ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho biết, để sản phẩm rau thủy canh của công ty xuất khẩu được sang Hàn Quốc, ngoài kho lạnh để bảo quản, công ty còn chi hàng tỷ đồng để mua máy làm lạnh xuyên tâm - làm lạnh từ bên trong sản phẩm, để hàng được bảo quản lâu hơn khi qua đến tay người tiêu dùng.
Doanh nghiệp chế biến nông sản được xem là đầu tàu trong dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Lạc Dương. Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, xác định nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Lạc Dương là nền tảng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, qua đó, huyện chủ trương vẫn giữ nguyên diện tích, đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Để tạo lập sản phẩm mang hình ảnh Lạc Dương, công nghệ chế biến được quan tâm. Trong thời gian qua, huyện Lạc Dương đã tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến trên địa bàn huyện đối với các sản phẩm như cà phê, rau, cây ăn quả… ; đồng thời đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, nguồn lao động… Hiện nay trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ: Công ty Langbianf chế biến phúc bồn tử Organic; Hợp tác xã Chapi, hộ gia đình Liên Jrang K’Chăm xã Đạ Sar, Công ty K’Ho Coffee chế biến cà phê; Công ty Nguyên Long sản xuất nấm Hương...
Ngoài ra, huyện đã triển khai hỗ trợ cho các đơn vị có sản phẩm đặc trưng, chủ lực như máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, công tác truyền thông quảng bá, mẫu mã sản phẩm. Có thể kể đến việc hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc cho K’Ho Coffee, máy rang xay cho Yu M’nang Coffee. Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt tiêu chuẩn mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) như: Phúc bồn tử Organic, rau thủy canh, nấm Hương Langbiang, cà phê Chapi,… Tất cả những sản phẩm đó là sản phẩm chế biến sâu mang lại giá trị kinh tế bền vững.
“Khi làm tốt khâu chế biến nông sản và xúc tiến thương mại bài bản thì hàng hóa nông dân sản xuất ra sẽ có giá ổn định hơn, nông sản chế biến bảo quản được lâu và xuất khẩu giá cao hơn. Vừa qua, tháng 1/2021 huyện kết nối với Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, theo đó 12 sản phẩm chế biến của Lạc Dương đã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và được đưa đến với người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc buổi tiếp xúc đã có nhiều hợp đồng được ký đối với sản phẩm cà phê của Lạc Dương, điển hình như cà phê Yu M’nang ở Đạ Sar, K’Ho Coffee ở thị trấn Lạc Dương, nấm Hương Langbiang… Bên cạnh đó, để trưng bày các sản phẩm chế biến sâu, đến 30/6/2021 huyện Lạc Dương sẽ khánh thành Trung tâm giới thiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP địa phương. Từ đó mở ra cơ hội và nâng tầm giá trị nông sản của Lạc Dương”, ông Hải cho hay.
http://www.baolamdong.vn/kinhte/202103/nong-san-lac-duong-tham-gia-vao-chuoi-che-bien-sau-3046571/
Theo HOÀNG YÊN (LĐ online)