Bạn đọc

Nông sản: Vàng thau lẫn lộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời buổi kinh tế thị trường phát triển, cạnh tranh và hội nhập mạnh mẽ, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng tất thảy nhu cầu của con người, sẵn sàng phục vụ mọi nơi, mọi lúc. Để nông sản có đầu ra và lợi nhuận cao, các “lão nông tri điền” bây giờ cũng phải tìm hiểu và sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Càng ngày các khái niệm: nông sản sạch, nông sản an toàn, rau sạch… đã trở nên thiết thân với người dân.
Mặc dù sống ở Pleiku đã lâu nhưng gia đình tôi vẫn với cách lựa chọn nhiều loại hàng nông sản dân dã hay tìm mua các nông sản của bà con nông dân xung quanh Phố núi, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số làm ra. Dĩ nhiên, tôi cũng quan tâm tìm hiểu về phương thức canh tác, nhất là đối với các loại rau quả sao cho đảm bảo độ an toàn.
Tháng trước, tôi ra một hiệu bán nông sản ở phường Yên Đổ mua 1 kg mè đen. Hỏi thăm, chị chủ hiệu cho biết mè này có nguồn ở Bình Định. Vậy là tôi rất yên tâm. Đang háo hức với bữa ăn rất đặc biệt có món khoái khẩu truyền thống, bổ dưỡng… thế nhưng, khác với mùi mè rang đặc trưng thơm lựng, tôi không tài nào nuốt được vì nó lẫn quá nhiều đất cát. Bà xã thấy vậy nỗ lực sàng sảy, loại bỏ đất cát trong mẻ mè vừa rang nhưng đành chịu. Cho đến một ngày có việc quay lại cửa hiệu bán nông sản hôm nọ, tôi đem câu chuyện mua phải mè lẫn đất cát ra kể lại với vẻ đầy khó chịu. Người bán hàng mới tỏ bày: “Anh mua mè sạch thì phải ra siêu thị mới có hàng đóng bì sẵn, chứ mè em nhập từ Bình Định, các địa phương ở đây đều bị lẫn đất cát vậy đó. Còn không anh mua mè của Trung Quốc thì rất sạch, lại rẻ hơn, nhưng chất lượng thì em không rõ”.
Cuối tuần rồi, tôi đến thăm bà dì họ. Khi tôi đem câu chuyện mua mè lẫn đầy đất cát kể, dì bảo: “Phải đãi thôi con. Cho vô nước đãi, rửa lại mè cho sạch rồi phơi khô trở lại. Người ta phơi ẩu, đất cát, bụi bặm, dơ lắm!”. Về nhà, tôi loay hoay bày bố chậu, tô, mâm và mất hơn nửa buổi sáng để đãi, đem phơi phần mè còn lại. Nhìn lượng cát đất bẩn lắng lại dưới đáy tô, tôi chợt rùng mình, nhớ về thời bao cấp nhà nhà đãi gạo nấu cơm hàng ngày. Cảnh ấy gợi nhớ tình trạng vừa lãng phí lương thực, thực phẩm, vừa mất thời giờ lao động trong quá trình nấu cơm.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương đúng đắn, quyết tâm chính trị cao về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; định hướng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, điều ray rứt là hiện vẫn có một số mặt hàng nông sản cung ứng ra thị trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn sạch tối thiểu, còn lẫn nhiều tạp chất như kể ở trên. Thiết nghĩ, nếu chậm thay đổi hẳn nhận thức, thái độ, cách làm ăn lạc hậu, bừa ẩu để đem sản phẩm thực sự sạch ra thị trường đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì có lẽ các sản phẩm của người nông dân Việt nói chung, nông dân Gia Lai nói riêng khó giữ vững chỗ đứng ngay trên “sân nhà”!
VĂN LÊ

Có thể bạn quan tâm