(GLO)- Ngày 31-3, lực lượng chức năng huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã phát hiện tại tiểu khu 1432 thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý có 119 cây gỗ đường kính 18-100 cm bị cưa hạ, xẻ thành 106 hộp, 30 lóng gỗ tròn và gần 5 ster củi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực rừng bị triệt hạ nằm giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đak Lak) và rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý. Lâm tặc mở nhiều đường mòn vào lõi rừng.
Dọc theo các con đường này, những cây gỗ có giá trị đã bị cưa hạ, lấy đi phần thân. Nhiều cây gỗ giá trị thấp cũng bị cưa hạ để mở đường, thân cây vẫn còn nằm ngổn ngang tại hiện trường. Sau khi lấy đi phần thân có giá trị, lâm tặc gom cành, bìa chất vào gốc cây đốt cháy nhằm xóa dấu vết. “Việc đốt hết cành, gốc là để phi tang”-một người dẫn đường cho hay.
Lâm tặc lợi dụng thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 để khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Hà Phương |
Những dấu vết này chứng tỏ việc mở đường vào rừng khai thác gỗ diễn ra quy mô trong thời gian dài. Tuy khu vực rừng bị phá giáp ranh với tỉnh Đak Lak, nhưng để vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường chỉ có con đường mòn độc đạo dẫn về phía địa phận huyện Krông Pa. Nếu về được thị trấn Phú Túc thì lâm tặc buộc phải vận chuyển qua nhiều xã, thị trấn với đủ các lực lượng chốt chặn.
106 hộp gỗ vừa bị lực lượng chức năng thu giữ đã được khai thác từ trước Tết Tân Sửu. Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 nên gỗ bị “kẹt” lại, không thể đưa ra khỏi rừng. Khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, lâm tặc đã tập kết số gỗ nói trên chuẩn bị đưa ra khỏi rừng thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cán bộ kiểm lâm, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba bị cách ly nên lâm tặc đã lợi dụng vào rừng để khai thác gỗ trái phép.
Không chỉ rừng thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý, diện tích rừng giao cho cộng đồng tại các xã cũng bị xâm hại. Điển hình là tại khu vực rừng cộng đồng giao cho buôn Chư Tung (xã Ia Hdreh) quản lý.
Theo quan sát của P.V, khu rừng này bị người dân xâm lấn trái phép trên diện tích hàng trăm héc ta. Trong đó, nhiều diện tích đã bị phá từ lâu, trồng điều lên cao; nhiều diện tích rừng mới bị phá trắng, đốt cháy nham nhở để chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới.
Khu vực rừng cộng đồng giao cho buôn Chư Tung, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa bị người dân đốt làm rẫy. Ảnh: Hà Phương |
Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Từ ngày 15-3, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giữ rừng và lập nhóm Zalo. Lực lượng tham gia gồm cán bộ xã, huyện. Thông qua nhóm Zalo sẽ thông tin nhanh các vụ phá rừng để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời. Từ khi thành lập, không ngày nào là không có thông tin về phá rừng. Từ đó, huyện đã nhanh chóng có biện pháp xử lý, chỉ đạo nóng chứ không cần họp hành, báo cáo mất thời gian”. |
Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-nhìn nhận: Địa phương đã thành lập đoàn, ban bệ, cấp kinh phí trên 100 triệu đồng/năm để làm nhiệm vụ chống lâm tặc, nhưng hiệu quả rất thấp. Nguyên nhân ngoài việc diện tích rừng lớn, giáp ranh nhiều địa phương thì còn nhiều nguyên nhân do con người.
Chính quyền cơ sở trách nhiệm không cao; đơn vị chủ rừng, UBND các xã làm việc hình thức, nể nang và ngại va chạm. “Đặc biệt, có sự tiêu cực của một số cán bộ của lực lượng chức năng khi bao che, bảo kê cho lâm tặc”-ông Thảo nói.
Cũng theo ông Thảo, qua nắm bắt thông tin từ người dân thì toàn huyện có tổng cộng 1.077 người chuyên vào rừng khai thác gỗ và một số khai thác theo mùa vụ. Các đầu nậu chuyên cung cấp tiền, phương tiện cho lâm tặc “con”, sau đó tìm cách hợp thức hóa gỗ lậu.
“Một số xưởng gỗ mua đấu giá chỉ 5 m3 nhưng hoạt động 5 năm không hết số gỗ này. Song để vào kiểm tra thì phải có kế hoạch, thông báo, ban bệ nên mỗi khi kiểm tra thì gỗ trong xưởng đều hợp lệ”-ông Thảo dẫn chứng.
HÀ PHƯƠNG