(GLO)- Rời TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Ấn về làng Dur (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nông trại, hình thành mô hình trồng cây ăn quả, nấm linh chi đỏ theo hướng hữu cơ và khép kín “sạch từ sản xuất đến tiêu dùng”.
Đa dạng cây ăn quả
Nằm phía sau vườn cao su bạt ngàn, nông trại Five A hiện có nhiều loại cây ăn quả như: bơ hass Úc, mít Thái và sầu riêng trồng xen thẳng hàng theo từng lô, khoảnh. Tất cả được dán giấy ghi rõ ngày, tháng bón phân để quản lý, theo dõi chăm sóc theo quy trình chuẩn VietGAP.
Ông Trần Ngọc Ấn cho biết: “Tôi có nhiều năm sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ vi sinh, nhưng đặc biệt đam mê làm nông nghiệp sạch. Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả và tiêu thụ sản phẩm ở các nước trong khối ASEAN, năm 2015, tôi quyết định bỏ phố về đây xây dựng nông trại lấy tên là Five A. Đến nay, nông trại có 3.000 cây bơ hass, mít Thái và hơn 7.000 cây sầu riêng các loại trên diện tích 30 ha. Tất cả được canh tác theo quy trình chuẩn VietGAP được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và có tem truy xuất nguồn gốc.
Phòng lạnh nuôi nấm linh chi đỏ của Nông trại Five A. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Cuối năm 2019, bơ hass Úc và mít Thái của Nông trại Five A đã cho thu hoạch, còn sầu riêng sẽ thu quả vào năm nay. Ông Trương Văn Công-nhân viên quản lý nông trại-cho hay: Bơ hass thu hoạch được hơn 100 tấn, bán với giá 80-120 ngàn đồng/kg, còn mít Thái cũng xấp xỉ cả trăm tấn. “Cách đây hơn 1 năm, một số doanh nghiệp của Nhật Bản và Singapore đến tham quan nông trại và đặt vấn đề liên kết xuất khẩu. Thời điểm đó, vườn cây đang giai đoạn thu bói nên sản lượng chưa nhiều để đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm trái cây của nông trại được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng”-ông Công nói.
Bà Phạm Thị Bích Ngọc (tổ 6, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Năm 2020, thấy sản phẩm bơ hass của Nông trại Five A trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa, tôi mua về dùng thì thấy thơm ngon, béo hơn các loại bơ lâu nay hay ăn. Tôi rất an tâm khi biết sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch.
Kỳ vọng nấm linh chi đỏ
Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều trang trại và nông trại phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó, Nông trại Five A phát triển cây ăn quả, nấm linh chi đỏ xuất khẩu là điển hình tiêu biểu. Chúng tôi khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. |
Cùng với phát triển vườn cây ăn quả, mới đây, ông Trần Ngọc Ấn tiếp tục đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng phòng nuôi cấy mô theo công nghệ Nhật Bản để sản xuất phôi, meo phục vụ trồng nấm linh chi đỏ, một loại dược liệu quý. Hiện nông trại đã cấy 20 ngàn phôi và meo nấm linh chi đỏ. Sau khoảng 45 ngày thì đưa ra ngoài vườn gắn vào cây gỗ để nuôi dưỡng. Dự kiến, đến tháng 3-2022, nông trại sẽ thu hoạch lứa nấm linh chi đỏ đầu tiên cung cấp cho một công ty của Nhật Bản đã đặt hàng.
Ông Ấn chia sẻ: Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm sạch và chất lượng ngày càng cao. Qua khảo sát, tôi thấy điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở Gia Lai rất phù hợp cho việc sản xuất nấm linh chi đỏ theo công nghệ Nhật Bản. Đặc biệt, Gia Lai có diện tích rừng lớn, nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Hy vọng trong tương lai không xa, Gia Lai sẽ là “thủ phủ” nấm linh chi đỏ cung cấp cho thị trường Nhật Bản. “Tôi đang hoàn tất hồ sơ pháp lý thành lập doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu hướng dẫn người dân cùng trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng. Nếu mọi việc thuận lợi, giá nấm linh chi đỏ có thể đạt 1-1,2 tỷ đồng/tấn, sản lượng dự kiến mỗi năm khoảng 20 tấn”-ông Ấn nói. Ngoài ra, sắp tới, nông trại sẽ đầu tư xây dựng khoảng 20 phòng nghỉ theo hướng homestay để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức các sản phẩm sạch ngay tại chỗ.
NGUYỄN DIỆP