Thể thao

Thể thao cộng đồng

Nốt trầm futsal

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào futsal tại Gia Lai từng có thời kỳ phát triển rất mạnh với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, hiện nay, môn thể thao này lại đang có những nốt trầm khi chưa thể vươn tầm.
Khi đội tuyển Việt Nam thi đấu đầy ấn tượng tại World Cup Futsal 2021, những người làm thể thao lại sôi sục ý tưởng nâng tầm cho nền futsal nước nhà. Tại Gia Lai, phong trào futsal từng phát triển rất mạnh với sự nở rộ của các sân cỏ nhân tạo. Nhiều giải đấu được tổ chức đã tạo tiền đề cho các đội bóng đá phong trào quen dần với thể thức thi đấu môn này. 
Năm 2012, một đại diện của Phố núi là Huyền Phát Gia Lai lần đầu tiên tham dự Giải Futsal Quốc gia. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của bóng đá phong trào tại Gia Lai. Tuy nhiên, khó ai ngờ, đó cũng là lần cuối cùng một cái tên của Gia Lai góp mặt tại giải futsal quốc gia. Phải đến năm 2018, khi Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức, một lần nữa futsal Gia Lai mới lại góp mặt trong giải đấu tầm cỡ quốc gia.
Ở những lần hiếm hoi được tham dự ấy, Gia Lai chỉ là đội bóng “lót đường” bởi những cầu thủ bóng đá phong trào không thể cạnh tranh nổi với đối thủ được tập luyện bài bản. Không huấn luyện viên, không sân bãi luyện tập, không chế độ cho cầu thủ… nên thật khó để futsal Gia Lai có thể làm nên một điều gì đó bất ngờ. 
Bóng đá phong trào 5 người ở Gia Lai từng có giai đoạn phát triển mạnh nhưng đang có dấu hiệu đi xuống. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bóng đá phong trào 5 người ở Gia Lai từng có giai đoạn phát triển mạnh nhưng đang có dấu hiệu đi xuống. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Có một nghịch lý là nhân sự không phải là vấn đề với futsal Gia Lai bởi từng có nhiều cầu thủ gốc Phố núi tham gia các đội futsal chuyên nghiệp. Có thể kể đến các gương mặt như: Mai Thành Đạt, Ngô Đình Thuận từng cùng đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup Futsal 2016 hay Dung (Sana Khánh Hòa), Võ Thái Phi (Sanatech Khánh Hòa)… Tại Giải Vô địch Quốc gia 2021, Gia Lai vẫn có 4 cái tên góp mặt gồm: Mai Thành Đạt (Sanvinest Sanatech Khánh Hòa), Đoàn Minh Quang (Sahako), Nguyễn Hữu Thuận (Cao Bằng), Bùi Việt Hồng (Hưng Gia Khang Đak Lak).
Cựu tuyển thủ Ngô Đình Thuận chia sẻ: “Gia Lai có tiềm năng phát triển môn futsal vì chất lượng cầu thủ không thua bất kỳ địa phương nào. Nhưng vì không có đội bóng nên cầu thủ buộc phải tìm đến đầu quân cho các câu lạc bộ futsal chuyên nghiệp để theo đuổi đam mê. Nếu được quan tâm đầu tư, chắc chắn Gia Lai sẽ phát triển mạnh môn này”. 
Tiềm năng là thế nhưng hiện tại futsal vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm. Ông Nguyễn Văn Ý-Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh-cho hay: Gia Lai chỉ có 1 nhà thi đấu sử dụng tổ chức các giải futsal nhưng mặt sàn vốn dành cho môn bóng chuyền, kích thước không đảm bảo. Nhà thi đấu được cho thuê để các đội bóng phong trào tập luyện futsal nhưng cũng không nhiều người mặn mà. “Gia Lai rất muốn đăng cai tổ chức giải futsal quốc gia để thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu môn này nhưng cơ sở vật chất không đủ điều kiện. Để đầu tư mặt sân đủ tiêu chuẩn cần nhiều kinh phí, trong khi futsal không phải môn được xác định là thế mạnh cần đầu tư”-ông Ý thẳng thắn. 
Cũng theo ông Ý, futsal Gia Lai phát triển theo định hướng xã hội hóa nhưng trước tình hình dịch Covid-19, các “ông bầu” gặp rất nhiều khó khăn. Để đầu tư phát triển 1 đội  futsal bài bản không chỉ có tâm huyết, đam mê mà phải có nhiều kinh phí. Đã có những doanh nghiệp từng nuôi tham vọng đưa futsal Gia Lai hòa vào môi trường chuyên nghiệp nhưng chưa thể thành hiện thực. 
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố cho thấy futsal Gia Lai đang có dấu hiệu chùng xuống là sự phát triển của thể thức thi đấu bóng đá 7 người. Anh Lê Quốc Trung (Câu lạc bộ Bê tông 26) giãi bày: “Trước đây, ở Gia Lai chỉ đá sân 5 người nên futsal có cơ hội phát triển mạnh. Vài năm trở lại đây, các đội bóng chuộng sân 7 người hơn và không còn đam mê với sân 5 người nữa. Các giải đấu quy tụ những đội bóng mạnh cũng thi đấu 7 người. Chúng tôi từng phối hợp với nhiều ông bầu tổ chức các giải futsal, mời nhiều cầu thủ chuyên nghiệp về tham gia nhưng hiện tại rất khó vì tình hình dịch bệnh cũng như sức hút không còn như trước nữa”. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm