Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Nữ bác sĩ tận tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, 15 năm hoạt động trong ngành y, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trân-Trưởng khoa Nội-Nhi-Nhiễm-Đông y (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang ) luôn sống với nghề bằng trách nhiệm và đạo đức, không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực chuyên môn, được đồng nghiệp tin tưởng, nhân dân yêu mến.

Sinh năm 1975, ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Huyền Trân đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ và đó là động lực giúp cô phấn đấu trong học tập. Năm 2001, Huyền Trân tốt nghiệp ngành Y tại Đại học Tây Nguyên và nhận công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trân luôn tận tâm trong khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: P.L
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trân luôn tận tâm trong khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: P.L

Kể từ ngày được khoác lên mình chiếc áo blouse  trắng, chị Trân luôn xác định: phải coi nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính bản thân mình, phải có tay nghề vững vàng để cứu sống người bệnh, đó mới là một bác sĩ chân chính. Không cho phép bản thân hài lòng với những gì đã đạt được, chị luôn lắng nghe đồng nghiệp đi trước để học hỏi thêm những kinh nghiệm hay và thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Với mong muốn được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu, nâng cao kỹ năng chăm sóc người bệnh, chị đã tích cực tham gia các hội thảo khoa học-kỹ thuật do các cấp tổ chức; hoàn thành tốt khóa học sau đại học ở Trường Đại học Y Huế. Do công tác ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, chị Trân luôn chú trọng việc học tập tiếng Jrai, Bahnar để có thể chăm sóc, điều trị người bệnh tốt nhất.

Theo chị Trân, nghề nào cũng cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết, đặc biệt là nghề y, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Ở bất cứ thời điểm nào, hễ có bệnh nhân tới khám và điều trị, bác sĩ Trân luôn ân cần, tận tình thăm khám, đưa ra những phác đồ điều trị hiệu quả, tạo được niềm tin cho người bệnh. Chị luôn dặn dò đồng nghiệp phải có trách nhiệm trong khám-chữa bệnh, không gây phiền hà cho người bệnh, không qua loa để tránh dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Nhắc đến kỷ niệm sâu sắc với nghề y, chị Trân cho biết: Năm 2005, tôi được cơ quan tăng cường về Trạm Y tế xã Kon Thụp. Lúc đó, đời sống của bà con ở xã còn nghèo, đường sá đi lại khổ cực lắm, bên cạnh đó, hủ tục cũng còn nhiều nên việc khám-chữa bệnh gặp những khó khăn. Tôi cùng với đội ngũ y-bác sĩ của trạm thường xuyên về sinh hoạt, tiếp xúc với bà con, tạo được niềm tin với nhân dân. Ở lâu, bà con xem mình như người thân nên việc tuyên truyền, vận động khám-chữa bệnh cũng dễ dàng hơn. Sau nửa năm, tôi quay trở lại làm việc tại Trung tâm Y tế huyện. Đã khá lâu rồi, nhưng giờ bà con ở xã lên khám bệnh vẫn nhớ tên, nói chuyện thân mật lắm. Làm được điều đó đã là một hạnh phúc và thành công của người thầy thuốc.

Với những nỗ lực, cố gắng trong chuyên môn, chị được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng, giao nhiệm vụ làm Trưởng khoa Nội-Nhi-Nhiễm-Đông y. Ở cương vị mới, chị vẫn luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng người, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác chuyên môn. Vì thế, tập thể nhân viên trong khoa luôn đoàn kết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt công việc được giao.

15 năm cống hiến cho sự nghiệp y tế, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trân luôn được đánh giá cao về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Nhiều năm liền chị đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của ngành. Nhưng có lẽ, món quà vô giá mà chị nhận được chính là nụ cười của bệnh nhân khi được chữa khỏi bệnh, là sự kính trọng của người dân và là niềm tin của đồng nghiệp-đó chính là động lực giúp chị càng thêm yêu và gắn bó hơn với công việc của mình.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm