Điểm đến Gia Lai

"Nữ hoàng hương sắc" của núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài năm gần đây, cái tên Hoàng Nhạn Gia Lai đã thu hút sự chú ý của giới đam mê phong lan cả nước. Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt fanpage về loài hoa này với những tên gọi khác nhau. Cùng với đó, thị trường Hoàng Nhạn Gia Lai cũng trở nên sôi động và giá cả cũng được đẩy cao ngất ngưởng.
Thăm “Quê hương” của Hoàng Nhạn Gia Lai
Ngày nào cũng vậy, cứ chập tối, anh Lê Nhật Hào lại chạy xe máy từ xã Đê Ar đến các làng của xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) để tìm mua lan rừng, chủ yếu là loài Hoàng Nhạn nguyên bản vừa mới “bóc rừng”. Sau khi phân loại, anh Hào chụp ảnh, quay clip giới thiệu trên mạng xã hội Facebook để mọi người biết mà đặt hàng. Khi khách chọn hàng và “chốt” giá, chàng trai gốc Bình Định này mới cho lan vào hộp gửi đến địa chỉ người mua.
Hoa lan Hoàng Nhạn tháng 8. Ảnh: Duy Lê
Hoa lan Hoàng Nhạn tháng 8. Ảnh: Duy Lê
Trò chuyện với chúng tôi, “chủ vựa” lan rừng vùng Kon Chiêng cho biết: Sở dĩ khách hàng tin tưởng là bởi anh là một trong số ít người chuyên cung cấp hàng nguyên bản. Theo cách hiểu của giới chơi lan, hàng nguyên bản có nghĩa là chưa lai tạp, lan được lấy trực tiếp từ rừng, chưa trải qua giai đoạn thuần dưỡng nào.
Anh Hào chia sẻ, trước đây, lan Hoàng Nhạn có ở các khu rừng thuộc 5 xã Đông sông Ayun của huyện Mang Yang (gồm Kon Chiêng, Đê Ar, Đak Trôi, Kon Thụp, Lơ Pang). Sau một thời gian khai thác theo kiểu tận diệt, đến nay, loài lan này gần như chỉ còn tồn tại ở rừng Kon Chiêng. 
“Hàng ngày, thanh niên các làng vào rừng tìm lan về bán lại cho em. Hiện nay, lan rừng cũng dần bị cạn kiệt. Vì vậy, họ phải lội vào tận rừng sâu săn tìm. Do nguồn cung ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu thị trường tăng cao nên giá lan Hoàng Nhạn Gia Lai đội lên gấp nhiều lần”-anh Hào cho biết.
“Nữ hoàng hương sắc”
Nếu anh Lê Nhật Hào giữ vai trò là “trạm cửa rừng” thì anh Bùi Bình Sơn (thị trấn Đak Đoa) lại là một trong những nhà vườn nổi tiếng cả nước về loài lan Hoàng Nhạn. Vườn lan của anh Sơn rộng hàng trăm mét vuông được thiết kế thành nhiều tầng và tuyền mỗi loài Hoàng Nhạn.
Về cơ duyên gắn bó với loài lan quý này, anh Sơn chia sẻ: “Cách đây chừng 5 năm, trên đường đi làm về, mình thấy một thanh niên dân tộc thiểu số xách theo 2 giò lan có hoa rất đẹp và hương thơm ngát. Dò hỏi thì anh thanh niên cho biết loài lan này có tên là Quế vàng Mang Yang. Mình quyết định bỏ ra 1,2 triệu đồng để mua về treo bên hiên nhà. Mấy ngày sau, có người bạn đến nhà chơi bảo đó là loài lan quý có tên gọi khác là Hoàng Nhạn tháng 8. Không lâu sau đó, một người tới đặt vấn đề mua lại với giá 5 triệu đồng. Tất nhiên là mình đồng ý. Từ đây, mình bắt tay vào sưu tầm, chăm sóc và kinh doanh loài lan quý này”.
Anh Bùi Bình Sơn (thị trấn Đak Đoa) bên giò Hoàng Nhạn tháng 8. Ảnh: Duy Lê
Anh Bùi Bình Sơn (thị trấn Đak Đoa) bên giò Hoàng Nhạn tháng 8. Ảnh: Duy Lê
Theo anh Sơn, ở nước ta có nhiều loại lan rừng rất quý hiếm, trong đó đáng chú ý là Giả Hạc (Phi Điệp), Kiếm, Đai Châu, Nghênh Xuân, Trầm Tím, Long Tu… Tuy nhiên, Hoàng Nhạn vẫn được mệnh danh là “nữ hoàng hương sắc”. Lan Hoàng Nhạn có 2 loại: tháng 4 và tháng 8.
Trong đó, Hoàng Nhạn tháng 8 nở hoa từ tháng 8 đến tháng 11 và hương thơm quý phái hơn loại kia. Ngoài màu vàng và tím kiêu sa, loài hoa này có hương thơm cực kỳ quyến rũ và lan tỏa trong không gian. Đặc biệt, đối với những cây lan đột biến thì lưỡi hoa có màu trắng tinh khiết và hương thơm rất đặc biệt. Ngoài ra, thân, rễ và lá của Hoàng Nhạn tháng 8 được sắp xếp rất đẹp mắt. Riêng lá có nhiều loại, trong đó quý nhất là loại lá xếp (xếp rụt, xếp chỉ thiên) và lá mít.
Cũng với anh Sơn, một giò Hoàng Nhạn tháng 8 đột biến thì khó có thể “nhắm mắt làm ngơ” và giá lên đến hàng trăm triệu đồng. “Ngoài Mang Yang, một số cánh rừng ở Kông Chro, Đak Đoa, Phú Thiện… cũng có loài Hoàng Nhạn tháng 8. Tuy nhiên, chỉ có ở Mang Yang thì loài hoa này mới rực rỡ và thơm quyến rũ”-anh Sơn tiết lộ. 
Trở lại với công việc kinh doanh, chỉ sau khoảng 5 năm gắn bó với Hoàng Nhạn tháng 8 Gia Lai mà anh Sơn đã có một cơ ngơi trị giá nhiều tỷ đồng. Anh Sơn chia sẻ: “Vài năm gần đây, phong trào chơi lan Hoàng Nhạn tháng 8 Gia Lai không chỉ dừng lại ở phạm vi trong tỉnh. Hiện nay, khách hàng của mình có ở hầu khắp các vùng miền trong cả nước. Công việc kinh doanh nhờ thế mà phát đạt. Riêng năm 2020, vườn lan của mình bán ra gần 2 tỷ đồng”. Phấn khởi khi công việc kinh doanh hanh thông và phát đạt, nhưng với anh Sơn thì “vui nhất vẫn là có một loài lan quý gắn với địa danh Mang Yang, Gia Lai”.
Giống như Lê Nhật Hào, anh Sơn cũng cho rằng sẽ đến lúc rừng Mang Yang sẽ không còn loài lan quý này. “Hiện nay, lan Hoàng Nhạn có mặt ở khắp các tỉnh, thành. Cũng chính vì vậy mà loài lan này bị lai tạp rất nhiều. Có người còn lấy Nhạn Cam để lừa thiên hạ. Tuy kinh doanh nhưng mình cũng rất có ý thức bảo tồn loài lan quý này”-anh Sơn trải lòng.
Bảo tồn loài lan quý
Trong câu chuyện cuối năm với chúng tôi, anh Phạm Cường-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh đã chia sẻ một thông tin rất vui: Vừa qua, đơn vị đã nhân giống thành công loài lan Hoàng Nhạn tháng 8. Theo đó, Trung tâm mua hạt giống của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa về gieo, sau đó chuyển sang nuôi cấy mô tế bào trong phòng lạnh. Khi đưa ra trồng ở nhà lưới, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngoài nhiệm vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen quý, thời gian gần đây, Trung tâm bắt đầu cung ứng giống cho những người yêu thích hoa lan và các nhà vườn. Hoa lan Hoàng Nhạn cấy mô có màu sắc và hương thơm không kém loại nguyên bản. Vì vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến mua giống tại Trung tâm. 
Ảnh: Duy Lê
Ảnh: Duy Lê
Theo anh Cường, việc nhân giống các loài lan nói chung, lan Hoàng Nhạn tháng 8 nói riêng là nỗ lực rất lớn của đơn vị. Tuy nhiên, việc bảo tồn loài lan quý này tại nơi nó sinh ra vẫn cần được các ngành liên quan và chính quyền địa phương lưu tâm.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm