Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

Nữ sinh Việt tỏa sáng ở xứ tỷ dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở tuổi 17, Lê Nguyệt Quỳnh đã tỏa sáng ở xứ tỷ dân trên hành trình chinh phục Hán ngữ - một trong những loại ngôn ngữ khó học;

Là đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu trong sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt nhân sĩ, trí thức trẻ hai nước năm 2023. Đặc biệt, Quỳnh có kỷ niệm khó quên khi hai lần biểu diễn vào dịp đặc biệt tiết mục mang âm hưởng Hí kịch.

Hai lần trổ tài Hí kịch

Lê Nguyệt Quỳnh (SN 2006) học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, đã có dịp thể hiện khả năng tiếng Trung và ca hát của mình trong sự kiện Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - bà Phan Thị Thanh Tâm, và Phu nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - bà Bành Lệ Viên, thăm và giao lưu với sinh viên khoa Tiếng Trung, Đại học Quốc gia Hà Nội (tháng 12/2023).

Nữ sinh Việt tự tin trình diễn bài hát "Tân quý phi túy tửu" mang âm hưởng Hí kịch - một thể loại ca kịch của Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ, âm nhạc và vũ đạo. Đây cũng là bài hát mà Quỳnh đã trình diễn trong phần thi tài năng, góp phần ẵm trọn giải Nhì cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho học sinh THPT toàn thế giới năm 2023.

Quỳnh biết đến cuộc thi này từ đầu năm học bậc THPT. Sau lần đầu tiên tham gia và đoạt giải Khuyến khích ở cuộc thi cấp quốc gia năm 2022, cô đã giành ngôi vị Quán quân toàn quốc và đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi cấp quốc tế tại Trung Quốc năm 2023.

Lê Nguyệt Quỳnh (cầm cúp) cùng thí sinh nước ngoài sau chung kết cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ toàn thế giới 2023. Ảnh: NVCC

Quỳnh cho biết, cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ thế giới gồm ba phần thi là khả năng thuyết trình, kiểm tra kiến thức và tài năng. Phân tích yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi là trình diễn tài năng liên quan đến đến văn hóa Trung Quốc, và xét bản thân có khả năng múa hát, cô quyết định lựa chọn thể loại Hí kịch. Quỳnh đã nhập môn tìm hiểu và luyện giọng hát, cách biểu diễn... của Hí kịch qua các video hướng dẫn trên mạng xã hội yotube.

“Trong quá trình lựa chọn bài hát liên quan đến Hí kịch, tôi phân vân giữa bài Xích linh đang hot trên mạng xã hội được nhiều người trẻ yêu thích và dễ hát hơn, hay chọn bài Tân quý phi túy tửu có tuổi đời hơn tuổi mình. Dù được khuyên chọn bài dễ hát hơn, nhưng tôi vẫn quyết định chọn bài nhiều thách thức và đậm chất Hí kịch hơn để tranh tài”, Quỳnh nói.

Đến nay, Quỳnh đã giành nhiều thành tích với tiếng Trung, như: Giải Ba kỳ thi Olympic bậc THPT năm học 2022-2023 của ĐHQG Hà Nội; Giải khuyến khích Kỳ thi học sinh giỏi các trường THPT chuyên vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2023. Ngoài ra, Quỳnh còn đạt nhiều giấy chứng chỉ về đàn piano, ghita, dancesport.

Cũng tại vòng chung kết diễn ra ở Trung Quốc, nữ sinh Việt duyên dáng trong tà áo dài trắng đã gây “sốc” với khán giả, khi mở đầu phần diễn thuyết về chủ đề thanh xuân: “Các bạn biết không, mẹ tôi thường nói tôi là một người điên rồ”.

Với khả năng diễn đạt và ngữ điệu tiếng Trung lôi cuốn, Quỳnh lập luận: Nếu không phải là “người điên”, tại sao thành tích tiếng Anh của tôi tốt như vậy, mà lại chọn tiếng Trung! Nếu tôi không “điên”, một người không chuyên như tôi, làm sao lại dám đứng trên sân khấu này để thi tài với rất nhiều bạn ưu tú... Mọi người có nghĩ tôi “điên” không? Không phải, tôi có thể làm rất nhiều việc vì còn rất trẻ.

Lan tỏa hình ảnh Việt Nam năng động

Trong gần nửa tháng tham gia vòng chung kết cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ toàn thế giới 2023, Quỳnh cùng 110 bạn trẻ đến từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm tại nước chủ nhà; đồng thời giao lưu, chia sẻ về văn hóa, lịch sử... đất nước của nhau.

Việc thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung và sự cởi mở đã giúp nữ sinh Việt dễ dàng kết bạn, trò chuyện với nhiều thí sinh đến từ các nước trong khu vực, cũng như ở châu Âu, châu Phi. Nhiều chủ đề được giới trẻ quan tâm từ học tập, giải trí, du lịch... đến ẩm thực đường phố, âm nhạc đã được chia sẻ.

Lê Nguyệt Quỳnh (thứ 3 từ trái sang) cùng thí sinh nước ngoài sau chung kết cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ toàn thế giới 2023 Ảnh: NVCC

Quỳnh cho biết, ấn tượng nhất là bạn trẻ nhiều nước đến từ các châu lục, không chỉ biết đến những điểm du lịch, thắng cảnh và món ăn dân dã của Việt Nam mà còn thuộc nhiều bài hát Việt được giới trẻ yêu thích và chia sẻ, “cover” qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok.

“Mỗi khi nhắc đến Việt Nam, các bạn lại hát và thực hiện động tác vũ đạo của nhiều ca khúc Việt hot thời gian qua, nhất là bài See tình, Con gái miền Tây... Nhiều lúc cả nhóm lại đồng thanh Giây phút em gặp anh là em biết em see tình/ Tình tình tình tang tang tính tang...; hay chào anh em là con gái miền quê/mới lên thành phố mà đã muốn về... mang đến không khí vui vẻ, hòa đồng”, Quỳnh chia sẻ.

Theo Nguyệt Quỳnh, trong nhiều hoạt động, dịp giao lưu giữa các thí sinh, thậm chí trong lúc chờ thu âm văn nghệ chuẩn bị cho đêm chung kết, Quỳnh đều nhận được yêu cầu hát “See tình” bằng tiếng Việt; cũng như biểu diễn nhạc cụ, hay những động tác dancesport...

“Các hoạt động giao lưu không chỉ giúp chúng tôi gần gũi, hiểu nhau hơn, còn là cách để nhiều bạn trẻ nước ngoài chưa có dịp đến dải đất hình chữ S vẫn có thể cảm nhận được một Việt Nam thân thiện và năng động”, Quỳnh nói.

Học ngoại ngữ hiểu thêm về dân tộc

Lê Nguyệt Quỳnh bắt đầu học tiếng Trung vào năm lớp 6 từ sự gợi ý của mẹ là nên biết thêm một ngoại ngữ nữa, bên cạnh tiếng Anh. Đến nay, Quỳnh đã từng bước chinh phục những thách thức của tiếng Trung với hệ thống chữ tượng hình ghi ý, bảng phiên âm, bảng ghép thanh mẫu và vận mẫu...

“Hãy theo đuổi, thực hiện những giấc mơ ngay khi ta còn trẻ, đừng lãng phí tuổi thanh xuân là điều tôi luôn tự nhắc nhở bản thân, cũng là thông điệp chuyển tải trong phần thi thuyết trình ở chung kết Nhịp cầu Hán ngữ toàn thế giới”.

Lê Nguyệt Quỳnh

Cô đã sở hữu hai chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ có giá trị quốc tế hàng đầu hiện nay là HSK6 và HSKK cao cấp. Quỳnh cho hay: “Tôi không chỉ học từ mới, bài khóa trong sách mà còn kết hợp việc học và giải trí bằng cách xem phim, các chương trình truyền hình... Qua đó, tôi luyện thêm cách phát âm, phản xạ và niềm yêu thích với tiếng Trung”.

Theo Lê Nguyệt Quỳnh, trong quá trình học tiếng Trung, giúp cô có dịp hiểu biết nhiều nét đặc sắc trong văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Từ đó, yêu thêm vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp, của hình ảnh ông đồ bày mực Tàu, giấy đỏ và thảo những nét phượng múa rồng bay; hiểu hơn các từ ngữ Hán Việt, tăng khả năng diễn đạt tiếng Việt. Điều thú vị nữa là Quỳnh có thể hiểu được nhiều câu chữ Hán ở đền chùa, di tích của đất nước. “Đây cũng chính là những điều tạo thêm động lực, niềm yêu thích để học ngoại ngữ tiếng Trung”, Nguyệt Quỳnh cho hay.

Có thể bạn quan tâm