Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

“Tôi biết ơn và hạnh phúc khi đã chọn nghề giáo, và càng đặc biệt hơn khi tôi đang viết tiếp hành trang gieo chữ đến các bản làng xa xôi của Cao Bằng. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, lửa nghề trong tôi đã thúc giục, khơi nguồn động lực mạnh mẽ để vượt ngàn trùng núi cao”.

Đó là chia sẻ của cô giáo Bùi Thị Ngọc Diệp, người dân tộc Mường, đang công tác tại Trường THCS Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Cô giáo Bùi Thị Ngọc Diệp, người dân tộc Mường, đang công tác tại Trường THCS Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Cô giáo Bùi Thị Ngọc Diệp, người dân tộc Mường, đang công tác tại Trường THCS Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Ở nơi "nhiều không"

Trò chuyện với một giáo viên kiêm làm Tổng phụ trách Đội ở trường THCS Dân Chủ, một trường vùng 3 đặc biệt khó khăn, tôi cảm nhận, cô Diệp giống như một người mẹ hiền của những đứa trẻ nơi đây, với 50% học sinh là hộ nghèo, dân tộc thiểu số Mông, Dao.

Về trường công tác từ năm 2019, hằng ngày, cô Diệp dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đi 30km đến trường. Những ngày Đông giá rét, sương mù bao quanh, cô kèm thêm gói xôi, lúc cái bánh mì, chai nước… để tiếp sức đến trường. Ngày mưa, đường trơn trượt, có những điểm sạt lở, cô Diệp đợi cả 3, 4 tiếng đồng hồ mới san gạt xong.

“Trường dạy học vẫn còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhiều phòng học, phòng công vụ giáo viên, công trình vệ sinh… đều xuống cấp. Trên lớp học chưa có máy chiếu, máy tính, hầu hết các bài giảng đều làm bảng phụ ra giấy A0”, cô Diệp bày tỏ.

6 năm công tác tại điểm trường khó khăn, cô giáo dân tộc Mường kiên trì đến từng nhà các em học sinh hộ nghèo để vận động đi học.
6 năm công tác tại điểm trường khó khăn, cô giáo dân tộc Mường kiên trì đến từng nhà các em học sinh hộ nghèo để vận động đi học.

Đã 6 năm công tác tại điểm trường khó khăn, cô giáo dân tộc Mường kiên trì đến từng nhà các em học sinh hộ nghèo để vận động đi học. Trong lần gần nhất tới nhà học sinh ở Lũng Lạ, cô Diệp vượt qua 2 quả đồi với 6km leo dốc.

Lũng Lạ - một xóm bản "nhiều không", khi không có sóng điện thoại, không có điện, không có nước... Đến nhà học sinh ở cũng chỉ gọi là che mưa, che nắng tạm bợ. Đường đi lại khó khăn, đất xói mòn trơ toàn sỏi đá lởm chởm.

“Không cẩn thận là ngã ngay xuống vực. Chưa tưởng tượng đến lúc trời mưa, đường trơn, hay mùa Đông sương mù giăng kín… Tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự vất vả của các em đi lấy cái chữ. Vì thế, tôi hay đến động viên phụ huynh, động viên các em đến trường học tập để sau này đi đây đó, thoát khỏi cảnh nghèo khổ vất vả”, cô Diệp trăn trở.

Cô giáo Diệp luôn tâm niệm: “Mỗi khi có ý định từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu”. Đến với nghề bằng một trái tim sẵn sàng hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng cô giáo trẻ đôi khi cũng cảm thấy nản lòng, mệt mỏi vì thường xuyên không ở nhà, xa con cái, không chăm lo được hai bên gia đình nội ngoại, cũng chưa một lần đưa con cái đi học.

“Nhưng hễ nhìn thấy sự thiếu thốn, ánh mắt ngây thơ, trong sáng của các em học sinh, tôi biết con mình còn may mắn hơn các bạn rất nhiều”, cô giáo trẻ nói.

Cô Diệp thường kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, muối… cho các em học sinh.
Cô Diệp thường kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, muối… cho các em học sinh.

Kiên nhẫn, chắt chiu

Để học sinh được đến trường, cô Diệp thường phải vận động được phụ huynh trước. Ngay đầu mỗi năm học, cô đã gặp mặt các bậc phụ huynh trong trường để trao đổi, vận động, nêu rõ lợi ích của việc học để tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường, tham gia các hoạt động Đội.

Đặc biệt, cô Diệp thường kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, muối… cho các em học sinh. Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Diệp luôn có sự quan tâm đặc biệt hơn các em khác, để các em không cảm thấy bị phân biệt đối xử với các bạn có hoàn cảnh tốt hơn mình.

Với vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô Diệp còn được ví như người mẹ thứ hai của những đứa trẻ vùng cao. Hễ cứ ra chơi, cô Diệp lại quây quần bên các học trò để khơi gợi niềm tin về một tương lai tốt đẹp bằng cách kể về những tấm gương nghèo vượt khó.

Với vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô Diệp còn được ví như người mẹ thứ hai của những đứa trẻ vùng cao.
Với vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô Diệp còn được ví như người mẹ thứ hai của những đứa trẻ vùng cao.

Những ngày mới đến trường cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh chưa đi vào nền nếp, các hoạt động phong trào không sôi nổi… cô Diệp đã quyết tâm thay đổi nơi đây, thay đổi cách suy nghĩ của phụ huynh và học sinh để tham gia vào các hoạt động của trường, của lớp.

"Tôi cũng hay tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan, hội chợ Xuân, tuyên truyền thật vui, thật ý nghĩa, có sự kết hợp giữa cô và trò. Từ đó rút ngắn khoảng cách để đến gần với các em hơn. Cách làm này cũng khơi gợi và phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh bằng cách cho các em nêu nguyện vọng của mình muốn được tham gia các hoạt động nào, tổ chức ra sao… theo định hướng của giáo viên", cô Diệp chia sẻ.

Sau những tiết dạy lên lớp, có thời gian, cô Diệp thường đi xung quanh trường, nói chuyện với bà con, chia sẻ để hiểu thêm về phong tục tập quán nơi đây. Khi có nhiều chất liệu, cô lên kế hoạch cho các buổi sinh hoạt Đội dễ hiểu, tạo không gian để học sinh cởi mở, tự mình sáng tạo nhiều hơn.

“Tôi thấy chính mình đã học được những bài học quý giá về sự kiên nhẫn, lòng vị tha và cách nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của các em học sinh. Vì vậy, việc giảng dạy tại một môi trường khó khăn giúp tôi thấy được giá trị của cuộc sống, sự chia sẻ và tầm quan trọng của việc không ngừng phấn đấu vươn lên dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào”, cô Diệp bày tỏ.

Vừa nhận được danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương do Trung ương Đoàn tuyên dương, với cô Diệp, đó là dấu ấn đáng nhớ, một cột mốc tự hào của người giáo viên vùng cao để trở thành hình mẫu, truyền cảm hứng, động lực cho học trò của mình.

“Tôi thấy chính mình đã học được những bài học quý giá về sự kiên nhẫn, lòng vị tha và cách nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của các em học sinh”, cô Diệp bày tỏ.
“Tôi thấy chính mình đã học được những bài học quý giá về sự kiên nhẫn, lòng vị tha và cách nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của các em học sinh”, cô Diệp bày tỏ.

Thành tích nổi bật của cô Bùi Thị Ngọc Diệp:

Danh hiệu “Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội cấp Tỉnh” năm học 2019 – 2020;

Sáng kiến cấp tỉnh về “Một số giải pháp nhằm thu hút học sinh tham gia các hoạt động Đội ở trường THCS Dân Chủ - Hòa An - Cao Bằng” năm 2020;

Sáng kiến cấp huyện về “Đổi mới hình thức sinh hoạt 15 phút đầu giờ nhằm nâng cao hiệu quả công tác Đội ở trường THCS Dân Chủ - Hòa An - Cao Bằng” năm 2024;

“Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2024.

Theo Châu Linh (TPO)

Có thể bạn quan tâm