Chính trị

Nữ trí thức có nhiều ảnh hưởng trong Cách mạng Tháng Tám ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những công trình nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh và một số huyện có sự kiện liên quan, nhân vật phụ trách công tác phụ nữ của tỉnh sau Cách mạng Tháng Tám được ghi nhận là Lê Thị Trinh.

Khi đọc lại hồi ký của đồng chí Phan Thêm-người được Xứ ủy Trung Kỳ cử lên Gia Lai để xây dựng và phát triển đảng viên và tổ chức Đảng ở địa phương sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), có một đoạn khiến tôi lưu tâm: “Để phổ biến điều lệ, chương trình Việt Minh… Tỉnh ủy phải dùng cán bộ biết tiếng Pháp như Phan Lệ Trinh, cán bộ phụ nữ tỉnh Gia Lai”. Tôi dừng lại khá lâu vì cái họ lạ hoắc này gắn với tên một nhân vật mà tôi nghe rất quen trong lịch sử tỉnh nhà. Vì vậy, tôi bắt đầu cuộc tra cứu, tìm hiểu về việc này.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Trong những công trình nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh và một số huyện có sự kiện liên quan, nhân vật phụ trách công tác phụ nữ của tỉnh sau Cách mạng Tháng Tám được ghi nhận là Lê Thị Trinh. Cuốn “Lịch sử phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai (1930-2010)” cũng ghi: Bí thư Ban Chấp hành lâm thời Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Gia Lai giai đoạn 1945-1946 là Lê Thị Trinh. Đôi chỗ, còn có tên Phan Thị Trinh. Một câu hỏi chợt vụt qua trong tôi: Hay là hồi ấy có nhiều người cùng tên mà khác họ? Sau đó, tôi tìm đọc kỹ hơn về những hoạt động liên quan đến cái tên này và kết luận: Chỉ có một người với đặc điểm nổi bật là một nữ thanh niên trí thức, rất giỏi tiếng Pháp và có khả năng diễn thuyết tốt.

Trong công trình nghiên cứu lịch sử Đảng bộ được ấn hành đầu tiên của tỉnh vào năm 1980 là “Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai-Kon Tum (sơ thảo lần thứ nhất)” do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xuất bản, không ghi chép gì về người phụ nữ có tên Trinh. Có lẽ, tên bà được nhắc đến đầu tiên là trong “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai”, tập 1 (1945-1975), do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1996. Tại trang 85 có đoạn: “Chị Phan Thị Trinh thay mặt giới phụ nữ trong tỉnh nói lên niềm phấn khởi và tự hào về sự đổi đời chưa từng có của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà”.

Thế rồi, đang từ Phan Lệ Trinh, Phan Thị Trinh, không rõ vì lý do gì, đến cuốn “Lịch sử phong trào phụ nữ Gia Lai (1930-2000)” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh ấn hành năm 2002, bà Trinh từ họ Phan (Phan Lệ, Phan Thị) lại chuyển sang họ Lê. Tại trang 69, sách này viết: “Chị Lê Thị Trinh, một thanh niên trí thức thay mặt giới phụ nữ trong tỉnh phát biểu ý kiến trong cuộc mít tinh” và “chị Lê Thị Trinh phụ trách phụ nữ”.

Trong “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2009, tại trang 122 cũng viết: “…chị Lê Thị Trinh thay mặt giới phụ nữ trong tỉnh nói lên niềm phấn khởi”. Có lẽ lấy cứ liệu này, tất cả các công trình sau này viết nhân vật lịch sử này đều ghi thống nhất họ tên chị là Lê Thị Trinh.

Tạm khép lại các công trình lịch sử, tôi tìm đến một ghi chép của Lê Trinh, đề ngày viết là 15-6-1998, có tiêu đề “Gia Lai trong trái tim tôi”. Người viết cho biết: Lúc này, bà tròn 70 tuổi. Trong toàn bộ bài viết, tác giả không một lần nhắc đến họ của mình. Câu chuyện bắt đầu bằng sự việc, sau ngày đất nước thống nhất, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), nơi bà làm việc, cô y tá trưởng đưa cho bà bệnh án của đồng chí Hoàng Lê, lúc này là Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Từ đây, ký ức về Gia Lai hiện lên trong bà: Năm 1940, khi bà 16 tuổi, bố của bà là ông Phan Văn Viện được điều đến làm việc trong ngành Lục lộ tỉnh Pleiku. Khi phong trào thanh niên ở Pleiku phát triển, bà tham gia phong trào, rồi sau Cách mạng Tháng Tám, được phân công làm công tác phụ nữ. Bà được phân công về Pleiku và Cheo Reo mở lớp huấn luyện Việt Minh bằng tiếng Pháp. Ở Cheo Reo, lớp học lúc đầu chỉ rất ít người. Họ là những học sinh Jrai, trình độ khoảng lớp 5, lớp 6 và một số cai lính mới đào ngũ biết tiếng Pháp. Họ đến học chỉ để thăm dò. Sau buổi học đầu tiên, họ về kháo nhau: “Việt Minh nó là con gái chúng mày ạ, nó lại nói tiếng Pháp giỏi và hay nữa, thế mới lạ!”. Rồi sau đó, lớp học ngày càng đông.

Cũng trong ghi chép này, bà cho biết, tháng 6-1946, khi thực dân Pháp tái chiếm Gia Lai và Kon Tum, cùng với bộ đội, đồng bào, đồng chí, bà tạm lánh về Bình Định chờ ngày trở lại hoạt động. Nhưng do bị sốt rét quá nặng, bà trở về gia đình chữa bệnh, rồi tham gia công tác tại Phú Yên. Năm 1955, bà được Tỉnh ủy Phú Yên giới thiệu đi học bác sĩ tại Việt Bắc, đi du học tại Đức, rồi về làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô.

Kết nối những thông tin trên, có một điều chắc chắn là bà Trinh có ông bố họ Phan (Phan Văn Viện). Vì vậy, họ của bà phải là Phan. Điều này phù hợp với ghi chép của đồng chí Phan Thêm-người đầu tiên đại diện cho Xứ ủy Trung Kỳ tiếp cận với phong trào cách mạng Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên. Mặt khác, trong những thông tin xuất hiện sớm về bà, họ của bà cũng đã được ghi là Phan. Có thể từ Phan Lệ Trinh, do vô tình hay cố ý mà biến thành Lê Trinh, rồi thành Lê Thị Trinh. Vì vậy, khi viết bài báo nhỏ này, người viết chỉ muốn làm sáng tỏ về một nhân vật lịch sử để những công trình tiếp nối sẽ không còn lầm lẫn khi viết tên người nữ trí thức Phan Lệ Trinh.

Có thể bạn quan tâm