Điểm đến Gia Lai

Trại giam tù binh Pleiku đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 26-6, tại phường Thống Nhất, UBND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Trại giam tù binh Pleiku” (1966-1972).

Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, HĐND,UBND TP. Pleiku, các nhân chứng lịch sử và đông đảo cán bộ, người dân phường Thống Nhất. Trước khi diễn ra buổi lễ, các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Di tích Trại giam tù binh Pleiku tại tổ dân phố 2 (phường Thống Nhất).

Ông Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên-Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Trại giam tù binh Pleiku”. Ảnh: Nhật Hào

Ông Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên-Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Trại giam tù binh Pleiku”. Ảnh: Nhật Hào

Trại giam tù binh Pleiku do Mỹ-ngụy xây dựng để giam giữ tù binh yêu nước từ năm 1966 đến 1972 và Quân đoàn II (Việt Nam Cộng hòa) quản lý. Trại có 22 phòng, trong đó, có 18 phòng giam (2 phòng dùng làm chuồng cọp), 1 nhà bếp, 1 nhà chia cơm, 1 phòng làm việc của giám thị và 1 phòng kẻ vẽ. Tại đây, địch đã giam cầm hơn 4.000 lượt cán bộ, chiến sỹ và đồng bào yêu nước nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Từ trại giam này, chúng di chuyển nhiều tù binh ra đảo Phú Quốc, Phú Tài hoặc vào Đồng Nai, Sài Gòn. Nhiều người đã hy sinh vì bị địch tra tấn, đánh đập.

Không khuất phục trước các đòn roi tra tấn của quân địch, các tù binh là đảng viên đã cùng nhau thành lập chi bộ vào ngày 3-2-1967 và lấy tên là Chi bộ 3/2 để tập hợp lãnh đạo quần chúng tổ chức đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ. Từ một chi bộ, đến cuối năm 1967 đã phát triển thành Đảng ủy có 20 Chi bộ với 200 đảng viên do đồng chí Nguyễn Kim Hùng làm Bí thư Đảng, một Liên Chi đoàn thanh niên với 400 đoàn viên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà tù, các tù binh đã vùng dậy phá ách kiềm kẹp xiết bóp của bọn cai tù và thu được nhiều thắng lợi. Một số người, sau chiến tranh, trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dịp này, Thành ủy và UBND TP.Pleiku đã trao tặng 9 suất quà cho các cựu tù và thân nhân cựu tù yêu nước trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nhật Hào
Dịp này, Thành ủy và UBND TP.Pleiku đã trao tặng 9 suất quà cho các cựu tù và thân nhân cựu tù yêu nước trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nhật Hào

Hiện nay, Trại giam tù binh Pleiku tuy đã bị phá hủy, nhà cửa không còn, nhưng vẫn còn lại những hiện vật và dấu vết trong và ngoài trại giam. Năm 2014, UBND tỉnh cho phép xây dựng Bia tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hi sinh tại Trại giam tù binh Pleiku. Đến ngày 15-1-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972). Đây là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ; đồng thời, tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh đã không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên-Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh “Trại giam tù binh Pleiku” (1966-1972) cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân phường Thống Nhất. Dịp này, Thành ủy, UBND TP. Pleiku đã trao tặng 9 suất quà cho các cựu tù và thân nhân cựu tù yêu nước trên địa bàn TP. Pleiku.

Có thể bạn quan tâm