Kinh tế

Doanh nghiệp

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: 'Hãy tin tưởng vào kinh tế tư nhân'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay những nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga của Tập đoàn BRG, Mai Thanh của REE hay Thái Hương của TH tại Đối thoại 2045 đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hàng không Vietjet phát biểu tại sự kiện đối thoại Việt Nam 2045. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bà Nguyễn Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hàng không Vietjet phát biểu tại sự kiện đối thoại Việt Nam 2045. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Sự kiện đối thoại “Việt Nam 2045” diễn ra tại Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều 6/3 đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước hàng đầu, giới tri thức, chuyên gia…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về lý do chọn Hội trường Thống nhất để tổ chức "Đối thoại 2045" là bởi nơi đây đã chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, dân tộc Việt Nam là một. Và thời điểm năm 2045 cũng chính là dấu mốc để di nguyện lớn nhất của Bác Hồ trở thành hiện thực - Việt Nam sẽ vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.

Những đại biểu trong giới doanh nhân, trí thức Việt Nam đã cùng nhau góp ý kiến để xây dựng một Việt Nam hùng cường, một quốc gia phát triển vào năm 2045. Thống kê sơ bộ cho biết tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt có đại diện tham dự trong sự kiện hôm nay lên tới 26 tỷ USD/ năm.

Là gương mặt nữ tại sự kiện đặc biệt, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet, Phó Chủ tịch thường trực HDBank trong trang phục áo dài truyền thống đã có những ý kiến đóng góp thiết thực và chia sẻ những ý kiến của bà để kinh tế Việt Nam phát triển, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam.

Đề xuất để Việt Nam là một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, ẩm thực, chăm sóc sức khoẻ, nữ doanh nhân nhấn mạnh phải làm sao để Việt Nam đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách và nhà đầu tư.

Bà Thảo cũng kiến nghị cần phải đầu tư vào giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động.

“Học viện hàng không Vietjet đầu tư hiện đại nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ,” nữ tướng Vietjet cho hay.

Bà cũng đề xuất đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic…; xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới.

Ngoài ra, bà Thảo đề xuất tập trung phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. Một mặt hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là không nhỏ, chẳng hạn như hãng hàng không Vietjet chỉ trong 3 năm 2017-2019 đã thu nộp trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách hơn 21.200 tỷ đồng, bao gồm các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế môi trường, lệ phí sân bay, điều hành bay…

Để hỗ trợ tăng trưởng, cải cách, theo bà Thảo, bên cạnh đổi mới tư duy rất cần đổi mới quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt.

“Vừa qua, sự sát sao và linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ đã đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP, dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay và đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế. Những tiến bộ về hệ thống thanh toán gần đây và những đổi mới sắp tới của ngân hàng nhà nước thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, là nhân tố then chốt của nền kinh tế số với tầm nhìn đầy kỳ vọng vào năm 2045,” Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank.


 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tại sự kiện “Đối thoại 2045.” (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tại sự kiện “Đối thoại 2045.” (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Bà Thảo kiến nghị Chính phủ phát động phong trào thi đua yêu nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên công tác thi đua khen thưởng, chú trọng các sáng kiến đóng góp để nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất của các tổ chức và lan tỏa ra cả nền kinh tế và người dân.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ hãy tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp. Việt Nam có một tương lai tươi sáng và tất cả các đại biểu tham dự Đối thoại 2045 đều sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước Việt Nam hùng cường,” nữ Tổng giám đốc Vietjet tin tưởng.

Trong dịp ngay cận ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, hình ảnh của bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay những nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga của Tập đoàn BRG, Mai Thanh của REE hay Thái Hương của TH tại Đối thoại 2045 không chỉ khẳng định bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một doanh nhân thành công tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, hàng không, bất động sản, đầu tư… Tập đoàn Sovico, ngân hàng HDBank, hãng hàng không Vietjet và các công ty trong tập đoàn hiện đang có hơn 32.000 cán bộ công nhân viên. HDBank và thành viên tài chính tiêu dùng phục vụ hơn 10 triệu khách hàng trên cả 63 tỉnh thành cả nước, đặc biệt khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn.

Hãng hàng không Vietjet đã vận chuyển hơn 100 triệu lượt khách hàng, biến giấc mơ bay của hàng triệu người thành hiện thực. Tàu bay Vietjet mang sắc đỏ, vàng rực rỡ và giai điệu Hello Vietnam phủ khắp các vùng trời quốc tế, quảng bá cho một Việt Nam thân thiện, an toàn, hội nhập.

 

Theo PV (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm