Kinh tế

Doanh nghiệp

Nửa năm, Vinalines báo lỗ trên 1.100 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Báo cáo của Vinalines trước khi tiến hành cổ phần hóa cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã lỗ 1.140 tỷ, doanh thu chỉ đạt 533 tỷ đồng.
Công bố thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết doanh nghiệp ước lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng riêng trong 6 tháng đầu năm. Công ty mẹ dự kiến doanh thu đạt 533 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ bắt đầu có lãi, với con số 143 tỷ đồng và những năm sau đó, lợi nhuận tiếp tục tăng.
Vinalines đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2019 đạt 1.048 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 221 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh thu dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 279 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vinalines nói doanh thu và lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ phục hồi. Ảnh minh họa.
Lãnh đạo Vinalines nói doanh thu và lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ phục hồi. Ảnh minh họa.
Cũng theo báo cáo, giai đoạn năm 2015-2016 là thời kỳ mà doanh thu và lợi nhuận của Vinalines ở mức cao. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 981,5 tỷ đồng, đến năm 2016 đã vọt lên mức 2.505 tỷ. Tuy nhiên, bước qua 2017, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 305 tỷ đồng.
Lý giải lợi nhuận không ổn định này, lãnh đạo Vinalines cho biết doanh nghiệp này đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả. Đồng thời, phải xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trong đó, các khoản chênh lệch đánh giá lại vốn đầu tư giảm so với xác định giá trị doanh nghiệp, do giảm giá chứng khoán, thua lỗ hạch toán vào kết quả kinh dooanh. Các khoản cơ cấu nợ phải hạch toán tăng vốn nhà nước. Khi Tổng công ty chuyển sang cổ phần mới được hạch toán thu nhập khác.
Nói về lộ trình cổ phần hóa, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vinalines cho rằng nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất, tính đến thời điểm đăng ký cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế.
 
Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines ít nhất 3 năm; không chuyển nhượng cổ phần trong 3 năm; cùng ngành nghề kinh doanh chính hoặc có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính của Vinalines.
Nhà đầu tư chiến lược cũng phải đạt yêu cầu có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, nếu hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính thì vốn điều lệ phải trên 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines. Hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của Vinalines sau cổ phần hóa là hơn 14.046 tỷ đồng.
Tổng số cổ phần là 1,4 tỷ đơn vị, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2% vốn điều lệ. Còn lại sẽ bán đấu giá công khai.
Trần Nguyễn (zing)

Có thể bạn quan tâm