Kinh tế

Doanh nghiệp

"Nước đến chân", ngành mía đường tiếp tục xin hoãn thực thi ATIGA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch NK mía đường từ ASEAN chính thức được xoá bỏ theo đúng cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sau 2 năm trì hoãn. Năm 2020 đã đến rất gần, song điểm đáng nói là, ở thời điểm hiện tại, ngành mía đường vẫn chưa sẵn sàng, muốn tiếp tục "delay" thực thi ATIGA. 
 
Việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan NK đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn được nữa. Ảnh: ST.
Muốn trì hoãn thực thi ATIGA 
Sau khi gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 5/2019, mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi tới hàng loạt đơn vị như: Bộ NN&PTTN, Bộ Công Thương, đoàn đại biểu của một số tỉnh để “trần tình” về những khó khăn và xin hoãn thực thi cam kết ATIGA. 
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Từ niên vụ 2015-2016 đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ nghiêm trọng, một số nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu. Người trồng mía khốn đốn, sản xuất mía thu nhập thấp, một số vùng thua lỗ phải bỏ ruộng hoặc chuyển sang cây trồng khác, rủi ro lớn. Niên vụ mía đường 2018 - 2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế. Kết quả sản xuất của nhiều nhà máy đã giảm sút, thua lỗ. Diện tích mía nguyên liệu đã giảm từ 30 - 60%. Thiếu mía nguyên liệu, các nhà máy duy trì sản xuất công suất mức thấp. Một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Nguyên nhân của khó khăn, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bởi: Tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn kéo dài và có hệ thống của buôn lậu đường xuyên biên giới, các hành vi gian lận thương mại dưới các hình thức “tạm nhập, tái xuất đường thành phẩm” hay phục vụ “chế biến xuất khẩu”. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn là vấn đề trợ cấp tràn lan của các nước XK đường, trong đó điển hình là Thái Lan, đối tác chính trong ngành đường ASEAN khiến giá đường nhập lậu càng rẻ một cách bất hợp lý.
Trước đó, ngay đầu năm nay, Bộ Công Thương đã đề nghị Hiệp Hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các DN thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020. Theo Bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan NK đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn được nữa. “Điều này có nghĩa là sau ngày 1/1/2020, đường trợ giá của Thái Lan với mức giá dự kiến 8.000– 9.000 đ/kg sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Hệ quả là các DN đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định. 
Phải chấp nhận cuộc chơi 
Xung quanh câu chuyện của ngành mía đường, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Phạm Quốc Doanh- nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích: Trên thực tế, thời gian qua, sự chuẩn bị của toàn ngành mía đường cho mốc thời điểm ngày 1/1/2020 xoá bỏ hạn ngạch thuế quan NK đường chưa đủ độ “chín”. Bằng chứng là, 2 năm qua, năng suất ngành mía đường vẫn đang thấp hơn bình quân thế giới, thấp hơn khu vực châu Á. Giá thành mía của Việt Nam còn cao do năng suất thấp. 
“Khi mở cửa hoàn toàn, nhà máy nào đã chuẩn bị được nguyên liệu, có đổi thay trong quản trị DN, đa dạng hoá sản phẩm sẽ khó khăn nhưng vẫn trụ được. Tuy nhiên, nhiều nhà máy hiện nay chưa thích ứng nổi sẽ gặp khó khăn lớn. Hội nhập là quá trình không cưỡng lại được, phải chấp nhận, thích ứng theo cơ chế thị trường. Ngành mía đường cũng sẽ phải trả giá, không thể tránh khỏi”, ông Doanh nhấn mạnh. 
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong hội nhập, mía đường là mặt hàng được Việt Nam bảo vệ khá kiên quyết. Tuy nhiên, kéo dài thời gian bảo vệ thì không hợp lý. Với ngành mía đường, phải cơ cấu tập trung, vùng nguyên liệu nào, DN nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển, chỗ nào cần chuyển đổi mô hình phát triển thì phải chuyển đổi. Giải quyết khó khăn của nông dân, cứu nông dân trước, rồi hỗ trợ DN.
“Về dài hạn, Nhà nước phải làm tròn vai trò của mình. Hiện tại, chúng ta đang tái cơ cấu nông nghiệp, giảm tỷ trọng mía, cao su, điều chỉnh lại tỷ trọng chăn nuôi… Tuy nhiên, cái giá của chuyển đổi là chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thuỷ lợi, thị trường thì cần có thời gian. Nếu chúng ta làm căn cơ như vậy thì phải có nghiên cứu khoa học cẩn thận, địa bàn nào, đối tượng nào chịu tác động? Phải xử lý bằng biện pháp ngắn hạn thế nào, dài hạn ra sao?”, TS. Đặng Kim Sơn phân tích.
Góp thêm tiếng nói vào câu chuyện ngành mía đường, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: “Làm thế nào để người nông dân có thể sống bằng mía đường, phát triển bằng mía đường…? Nếu chúng ta không làm được tất cả những điều đó thì phải điều chỉnh và chuyển hướng. Trong thời gian sắp tới, theo tôi tinh thần chung của mía đường phải tự mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại. Điều đó có nghĩa là phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. Nhà máy nào chết và cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì NK theo hạn ngạch hay vì nhập lậu? Nếu nhập lậu thì chúng ta có giải pháp hay không? Nghiên cứu này cần thiết để giải quyết khó khăn cho ngành mía đường trong bối cảnh hiện nay và cũng là cái để đặt nên bàn nếu phải tiến tới phương án đàm phán lại”.    
Đức Phong (HQ Online)

Có thể bạn quan tâm