TN - Đất & Người

Nước mắt voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với đồng bào M'Nông tại Đak Lak, voi không chỉ là tài sản quý của gia đình, cộng đồng mà còn là biểu trưng cho sự thịnh vượng của buôn làng. Tuy nhiên, số lượng voi trên địa bàn đang ngày càng giảm mạnh do bị khai thác làm du lịch quá mức, đồng thời luôn bị kẻ xấu săn lùng để lấy lông đuôi.
1. Mỗi khi nhắc đến Buôn Đôn (tỉnh Đak Lak), du khách luôn háo hức với “đặc sản” cưỡi voi. Nhưng ít ai biết nỗi niềm của những chú voi khi bị xích chân, đóng bành (giàn giá gỗ đặt trên lưng) để phục vụ khách du lịch.
Theo anh Y Thế K'Nul (nài voi ở Buôn Đôn), một con voi có thể cõng 4-5 khách trên lưng mỗi lượt để tham quan lội sông Sêrêpốk, dạo Vườn Quốc gia Yok Đôn… Vào các dịp lễ, Tết, mỗi ngày voi cõng trên lưng hàng chục lượt khách. Sau khi kết thúc ngày làm việc (khoảng 18-19 giờ), các nài voi đưa voi vào rừng xích một chân vào gốc cây, tự kiếm ăn. Sáng hôm sau, nài voi vào rừng sớm đưa voi về tắm rửa, đóng bành, bắt đầu một ngày làm việc. Ngày này qua ngày khác, công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi chúng kiệt sức và gục ngã.
 Voi chở du khách tham quan Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: D.Y.T
Voi chở du khách tham quan Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: D.Y.T
Trong năm 2015, nhiều voi nhà ở Buôn Đôn bị chết bởi kiệt sức do khai thác du lịch quá mức như voi cái Buôn Nhang (63 tuổi) của ông Y Glư BKrông (xã Krông Na), voi cái HPlo (35 tuổi) thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn. Nhằm bảo tồn voi nhà trước nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam, trong năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã hỗ trợ Vườn Quốc gia Yok Đôn 65.000 USD thực hiện chuyển đổi mô hình truyền thống từ cưỡi voi sang du lịch thân thiện cùng voi, vào rừng tham quan tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của voi. Theo đó, du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo trong rừng. Các hoạt động du lịch truyền thống như cưỡi voi sẽ bị cấm.
2. Câu chuyện truyền miệng về tình yêu thủy chung của đôi trái gái người M'Nông gắn với chiếc lông đuôi voi như lá bùa hộ mệnh đã khiến những ai đến với xứ sở này đều cảm động. Chuyện xưa kể rằng, có đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng bị ngăn cản bởi mâu thuẫn giữa 2 làng nên họ không thể lấy nhau. Chàng trai phải nhờ đến vị thần to lớn nhất Tây Nguyên là Nguăch ngual (Thần voi) giúp đỡ và được thần tặng một chiếc lông đuôi voi làm tín vật, sau đó họ đã nên duyên vợ chồng.
Chính vì thế, nhiều người quan niệm lông đuôi voi sẽ đem lại may mắn, sức khỏe, khi để trong ví sẽ có nhiều tài lộc… Đó là lý do khiến lông đuôi voi được săn lùng ráo riết. Anh Y Nha (xã Krông Na) chia sẻ: Mỗi tối, anh phải ra ngủ cùng voi Khâm Mon. Nếu không có anh, Khâm Mon sẽ kêu rống lên làm cả buôn mất ngủ. Nhưng điều quan trọng là trên người chú voi này đang có chiếc đuôi to với hàng trăm sợi lông quý, có thể bị kẻ xấu chặt để cướp bất cứ lúc nào. 
Trò chuyện với P.V, già Ama Thim (64 tuổi, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc tới voi Pắc Kú. Mùa hè năm 1978, những thợ săn voi đã bắt Pắc Kú về thuần dưỡng. Vào một đêm tháng 10-2010, kẻ xấu lợi dụng lúc Pắc Kú bị xích ở bìa rừng để tấn công. Pắc Kú hoảng loạn di chuyển nhưng dây xích càng xiết chặt. Khi bị chém tới tấp, Pắc Kú vùng lên bứt đứt dây xích chạy thoát thân. Sáng ra, nài voi vào rừng không thấy, lần theo vết máu khoảng 5 km thì thấy Pắc Kú đang đau đớn dùng vòi quấn những ngọn lá thuốc để tự chữa vết thương. Người ta đếm được trên người nó 217 vết chém, riêng phần mông và đầu bỏng nặng. “Khi nghe người nhà gọi tên, nó gượng dậy nhưng không nổi. Một dòng nước mắt mờ đục chảy ra. Pắc Kú cố lết về nhà nhưng đã khuỵu xuống, bà con trong buôn cố vực nó dậy, lấy vải bọc vết thương. Sau 3 tháng, voi Pắc Kú chết khi mới 33 tuổi”-già Ama Thim nghẹn ngào.
3. Cái nắng hừng hực của xứ voi phả thẳng vào mặt rát bỏng. Chúng tôi ghé vào các quầy bán hàng lưu niệm cạnh Trung tâm Du lịch Buôn Đôn ở buôn Trí A (xã Krông Na). Tại đây có cả chục quầy, quầy nào cũng bán nhẫn lông đuôi voi. Những chiếc nhẫn được làm từ vật liệu bạc, vàng với đủ kích cỡ cho nam, nữ, người già, trẻ con với giá dao động 80-120 ngàn đồng/nhẫn bạc; 200-300 ngàn đồng/nhẫn vàng.
Trong khi nhiều người tung hô nhẫn lông đuôi voi như lá bùa hộ mệnh, du khách săn lùng như báu vật thì người trong cuộc lại phủ nhận. Ông Y Xuyên-người quản tượng ở Buôn Đôn-cho biết: “Nếu may mắn thật thì chúng tôi phải giữ cho con cháu chứ!”. Xin kết bài bằng một thống kê: Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak, năm 1980 toàn tỉnh có 502 con thì đến nay chỉ còn 45 con!
 DẠ YẾN THẢO 

Có thể bạn quan tâm