(GLO)- Hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến trong khu dân cư đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, việc gây nuôi chim yến hiện mang tính tự phát nên ít nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý xây dựng, vệ sinh môi trường và dễ lây lan dịch bệnh cho con người.
Tự phát nuôi chim yến
Nghề nuôi chim yến thương mại bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số tỉnh Nam bộ từ năm 2004. Tại Gia Lai, nghề dẫn dụ, gây nuôi và khai thác các sản phẩm từ chim yến hình thành cách đây vài năm và dần phát triển khá mạnh về số hộ nuôi theo kiểu tự phát. Chi phí đầu tư nuôi chim yến lớn nhưng hiệu quả mang lại phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, kiểu “chim trời cá nước”.
Bà V.T.D. (tổ dân phố 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: Năm 2017, gia đình bà cải tạo, xây dựng nhà nuôi yến ở tầng trên cùng căn nhà ở với diện tích 150 m2, chi phí hết khoảng 450 triệu đồng. Đến nay, nhà nuôi yến bắt đầu cho thu hoạch, hàng tháng thu được khoảng 100 gram tổ yến. Giá thị trường hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/100 gram tổ yến, nếu làm sạch thì giá khoảng 4,5 triệu đồng/100 gram.
Nhà nuôi chim yến được xây dựng trong khu dân cư nên dễ xảy ra dịch bệnh và ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: C.H |
Cũng theo bà D., khu vực phù hợp để xây dựng nhà nuôi yến là gần chợ và cánh đồng để đảm bảo nguồn thức ăn cho chim yến. “Tập tính của chim yến là ban ngày thì bay đi kiếm ăn, chiều tối mới về tổ ngủ. Đầu tư nhà nuôi chim yến giống như canh bạc vì phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Gia đình nào có tiền nhàn rỗi thì đầu tư, còn nếu phải vay mượn để nuôi yến thì không nên mạo hiểm”-bà D. nói.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 69 nhà yến của 67 hộ tại 10/17 huyện, thị xã, thành phố; trong đó riêng thị xã Ayun Pa có 39 hộ nuôi. Tất cả các nhà nuôi yến trên địa bàn tỉnh đều mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình nên rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý, lập quy hoạch. Tại hội nghị “Quản lý và phát triển nuôi chim yến” vào tháng 4-2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Nghề dẫn dụ, gây nuôi và khai thác sản phẩm từ chim yến có nhiều tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, sản phẩm từ yến chưa xuất khẩu được chính ngạch, chưa xây dựng được thương hiệu của sản phẩm yến Việt Nam và việc phát triển nuôi chim yến vẫn mang tính tự phát”.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Thực tế cho thấy, nghề nuôi chim yến tồn tại nhiều rủi ro. Đã có nhiều nhà yến được xây dựng mới để dẫn dụ nhưng chim không về ở hoặc về được một thời gian thì bỏ đi, gây lãng phí rất lớn. Ngoài ra, việc tự ý cơi nới, cải tạo nhà ở để làm nhà nuôi yến là vi phạm quy định về xây dựng và rất dễ phá vỡ quy hoạch đô thị, nhà ở.
Nhằm tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến và phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có các văn bản đề nghị các địa phương và ngành chức năng tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền quy định về nuôi chim yến; yêu cầu chủ cơ sở thường xuyên vệ sinh nhà yến, thu gom, xử lý chất thải từ việc nuôi yến. Đối với các hộ nuôi chim yến, sử dụng thiết bị âm thanh dẫn dụ không được vượt quá 70 đề xi ben A trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày và không được sử dụng thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. |
Năm 2013, nước ta lần đầu tiên ghi nhận trường hợp vi rút cúm gia cầm H5N1 trên đàn yến tại tỉnh Ninh Thuận. Các năm sau đó, hầu như năm nào ngành thú y cũng phát hiện dịch trên đàn gia cầm, thủy cầm. Vì vậy, bệnh rất dễ lây lan giữa các đàn gia cầm, thủy cầm, chim, trong đó có chim yến nếu không triển khai các biện pháp phòng-chống dịch hiệu quả. Về yếu tố âm thanh và môi trường, một số nhà yến phát âm thanh dẫn dụ 24/24 giờ, yến liên tục chao lượn xung quanh điểm phát âm thanh và thải phân làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ xung quanh. Theo ghi nhận của P.V, các nhà nuôi yến chủ yếu được xây dựng trong khu dân cư. Dù đang giữa trưa nắng nhưng một số nhà nuôi yến trên đường Lê Đại Hành, Phù Đổng, Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) vẫn mở máy phát tín hiệu để dẫn dụ chim yến, âm thanh nheo nhéo khá chói tai. Một người dân ở gần một nhà nuôi chim yến than thở: “Nhà nuôi yến mở âm thanh suốt ngày. Âm thanh phát ra từ nhà nuôi yến quá to, có hôm đi làm về mệt muốn ngủ trưa một chút nhưng không được”.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện chưa có tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nuôi chim yến. Quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm đảm bảo an toàn sinh học và mẫu chuẩn về nhà nuôi chim yến cũng chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, chim yến là loài sống hoang dã, thường tập trung thành bầy đàn lớn và bay lượn trên cao nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư thiết bị chuyên dụng để đo cường độ âm thanh phát ra từ các nhà nuôi chim yến làm cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, vẫn có trường hợp chủ cơ sở nuôi chim yến chưa hợp tác, không tạo điều kiện để cán bộ giám sát tiếp cận nhà yến. “Khi người dân đầu tư nuôi chim yến cần tính toán kỹ hiệu quả và sản phẩm đầu ra, không nên phát triển ồ ạt để tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng các nhà nuôi yến ở xa khu dân cư để không gây ô nhiễm và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ thú y nhằm kịp thời giám sát, tránh để bùng phát dịch bệnh từ chim yến”-ông Có thông tin thêm.
Chí Hào