Kinh tế

Nông nghiệp

Nuôi con không chân, giá 700.000 đồng/kg thịt, lãi đậm so với lợn gà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trái với vẻ ngoài yên bình của làng quê nông thôn, ít ai biết, ở huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đang phát triển mô hình nuôi rắn hổ mang lấy thịt, lấy trứng và cung cấp giống, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ. Nơi đây, người ta vẫn gọi công việc đặc biệt này là nghề nuôi “con không chân”.
Lãi gấp nhiều lần nuôi lợn, gà
Theo chân cán bộ kiểm lâm địa bàn, chúng tôi tìm đến nhà anh Ngô Văn Bình, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà để tận mắt thấy mô hình nuôi rắn hổ mang, phát triển kinh tế.
Vừa pha trà đãi khách, anh Bình vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề nguy hiểm và có phần đặc biệt này. Vốn là người nông thôn, anh từng lăn lộn, xoay sở đủ nghề, biết ở đâu có con gì, cây gì mới đều tìm cách đưa về nuôi, trồng.
Từ lợn, gà, cá trắm đến ba ba hoặc tôm càng xanh đều lần lượt được anh nuôi thử nghiệm, hết nuôi đến trồng đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi điệp khúc được mùa mất giá, thị trường bấp bênh, dịch bệnh hoành hành. Làm mãi không giàu, anh lại loay hoay tìm hướng mới.
 
 Anh Ngô Văn Bình bắt rắn hổ mang để kiểm tra bệnh.
Năm 2011, qua một số người bạn, anh Bình được tham quan một số mô hình nuôi rắn hổ mang ở tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ, thấy hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh quyết tâm học hỏi và bỏ tiền mua 50 con rắn về nuôi thử nghiệm. Lứa đầu tiên nuôi thành công, lợi nhuận cao nên anh tiếp tục lấy vốn quay vòng mở rộng mô hình.
Đến năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi rắn rộng 300m2, hơn 1.000 ô chuồng với chi phí hơn 100 triệu đồng. Vừa nuôi, anh vừa giao lưu, học hỏi với các hộ nuôi rắn khác, đồng thời học cách cho rắn giao phối, thu trứng để ấp con giống tái đàn và bán trứng.
Khu nuôi rắn của anh Bình nằm trên khoảnh đất cao, biệt lập với nhà ở và khu chăn nuôi khác. Khu chuồng được xây bằng gạch, có mái che, đặc biệt chuồng được làm 2 cửa có ổ khóa chắc chắn, tất cả ô thoáng, cửa thông gió đều được che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ. Theo anh Bình, việc xây dựng chuồng trại kiên cố, che bằng lưới sắt mắt nhỏ để khi rắn có thoát ra khỏi chuồng cũng không thể thoát ra môi trường tự nhiên.
Cẩn thận bật điện, mở cửa, kiểm tra kỹ trong khu chuồng không có rắn xổng ra ngoài, anh mới cho chúng tôi đi vào khu nuôi rắn. Mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình, rợn tóc gáy vì những tiếng phì phì phát ra từ những ô chuồng tối om. Thông thường, rắn thịt nuôi khoảng 1 năm sẽ đạt trọng lượng trên 1,8 kg/con là đủ tiêu chuẩn xuất bán.
Công việc của anh Bình là cứ 5 ngày cho rắn ăn 1 lần, thức ăn là cóc được nhập từ Vĩnh Phúc, sau đó sẽ kiểm tra xem rắn ăn hết thức ăn không, kiểm tra bệnh cho rắn. Công cụ cho rắn ăn và bắt rắn hết sức thô sơ gồm 1 que móc và 1 chiếc kẹp gắp.
Quá quen thuộc với việc bắt rắn hằng ngày, anh Bình mở cửa chuồng, rọi đèn pin vào trong và bắt ra 1 con rắn. Bị làm phiền, con rắn dựng đầu, bạnh cổ đe dọa nhưng anh làm việc này rất thành thạo, một tay nắm đuôi, một tay cầm móc ngoắc con rắn đưa ra xa, đề phòng chúng quay đầu tấn công. Con rắn to bằng bắp tay người lớn, dài ngoằng, thở phì phì khiến chúng tôi chỉ dám đứng từ xa quan sát và chụp ảnh.
Anh Bình cho biết: Việc cho rắn ăn và kiểm tra bệnh cho rắn là công việc nguy hiểm nhất, đặc biệt là mùa rắn giao phối và đẻ trứng bởi khi đó rắn rất hung dữ. Vào mùa đó, phải đi ủng, găng tay và kính mắt khi mở cửa chuồng kiểm tra và bắt rắn cho ghép đôi. Chỉ cần có kinh nghiệm, thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, rắn không cảm thấy bị đe dọa thì sẽ không tấn công.
“Tôi cũng học được bài thuốc nam trị độc rắn cắn. Ngoài ra, trong chuồng nuôi tôi luôn chuẩn bị sẵn đồ cứu thương, một số loại thuốc kháng độc để đề phòng khi bị rắn cắn. Gần 10 năm nay, chưa bao giờ tôi bị rắn cắn” - anh Bình nói.
Thị trường ổn định
Theo chia sẻ của anh Bình, ngoài bán rắn thịt thương phẩm, anh còn ghép đôi cho rắn đẻ trứng, ấp nở để nuôi tái đàn và bán trứng rắn. Quy trình ấp trứng rắn nở cũng rất đơn giản, sau khi rắn cái đẻ trứng xong, người nuôi sẽ lấy ra khỏi chuồng, vùi trong cát ẩm, để nơi nhiệt độ (25 - 270C) trong 68 - 70 ngày là rắn nở, rắn con sẽ tự đục vỏ trứng chui ra. Mỗi năm, gia đình anh Bình có khoảng 10.000 trứng rắn, giá bán dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/quả tùy thị trường từng năm.
“Nhờ bán rắn thịt thương phẩm, rắn giống và trứng rắn, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần nuôi lợn, nuôi gà. Chăm sóc rắn chỉ cần 1 nhân công, 5 ngày vào chuồng cho rắn ăn và kiểm tra rắn 1 lần, vẫn có thời gian làm việc khác. Nghề nuôi rắn không vất vả nhưng nguy hiểm, ngoài ra hiện nay giá thành thức ăn cao, thị trường không ổn định cũng là những khó khăn” - anh Bình tâm sự.
 
Anh Đoàn Văn Ưởng cho rắn ăn bằng dụng cụ tự chế.
Rời nhà anh Bình, chúng tôi ghé qua một hộ nuôi rắn khác cùng thôn Làng Chưng là gia đình anh Đoàn Văn Ưởng. Khác anh Bình, anh Ưởng chỉ nuôi rắn lấy trứng. Hiện tại, anh Ưởng nuôi 250 con rắn, mỗi năm thu nhập 60 - 100 triệu đồng nhờ bán trứng rắn. Khu chuồng nuôi rắn của anh Ưởng cũng được xây biệt lập, che chắn cẩn thận. Anh còn “chế” dụng cụ đặc biệt để đưa thức ăn vào chuồng rắn, đảm bảo an toàn khi cho rắn ăn.
“Được sự giúp đỡ của anh Bình, năm 2017 tôi bắt đầu nuôi rắn. Tôi không nuôi rắn thịt mà chỉ nuôi rắn đẻ lấy trứng bán. Mỗi năm rắn đẻ 1 lứa, thu trong khoảng 1 tháng là xong. Rắn đẻ ăn ít hơn rắn thịt nên không tốn nhiều chi phí thức ăn. Với 250 con rắn, mỗi tháng tôi chi phí hết khoảng 3,5 triệu đồng tiền thức ăn. Nhờ nuôi rắn, tôi có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 2 con ăn học và tích cóp để sửa lại căn nhà” - anh Ưởng tâm sự.
“Nghề nuôi rắn nhiều nguy hiểm, mặc dù người nuôi ai cũng thuộc nằm lòng quy trình an toàn và sơ cứu khi bị rắn cắn nhưng cũng không tránh khỏi sơ suất. Mùa rắn đẻ năm 2018, do chủ quan không đeo kính trong khi cho rắn ăn, tôi đã bị một con rắn phun nọc vào mắt, nhờ sơ cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến thị lực” - anh Ưởng cho biết thêm.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng, trên địa bàn huyện hiện có 13 hộ nuôi rắn, trong đó có 12 hộ (thuộc xã Xuân Quang, xã Sơn Hà và thị trấn Phố Lu) được cấp phép nuôi rắn hổ mang thường (tên khoa học là Naja naja) với gần 6.000 con.
Giá bán rắn thịt dao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg, trứng rắn dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/quả tùy thời điểm, mang về thu nhập cao và ổn định cho người dân.
Để quản lý việc nuôi nhốt rắn, hằng tháng, cán bộ kiểm lâm địa bàn sẽ đến từng hộ nuôi, ghi chép sổ theo dõi, biến động đàn và tuyên truyền đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường cho các hộ nuôi rắn để làm giấy xác nhận nguồn gốc, thủ tục xuất bán khi người dân có nhu cầu.
Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng nhận định: Nuôi động vật hoang dã được xem là xu thế phát triển kinh tế mới. Việc nuôi động vật hoang dã không chỉ giúp nông dân làm giàu, làm phong phú thêm vật nuôi ở địa phương, mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt trái phép, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
Đặc biệt, mô hình nuôi rắn hổ mang còn cho sản phẩm xuất khẩu với giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ phong phú, đa dạng.
Dân Việt/Theo Đức Phương (Báo Lào Cai)

Có thể bạn quan tâm